Reuters đưa tin, một tòa án ở Nga đã yêu cầu ngân hàng UniCredit của Italy phải trả gần 480 triệu USD vì dự án khí đốt liên doanh giữa Gazprom và Linde của Đức thất bại.
UniCredit là ngân hàng bảo lãnh dự án trước khi các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến dự án này sụp đổ.
Dự án dự kiến xây dựng một nhà máy xử lý khí đốt ở Nga thông qua liên doanh có tên RusChemAlliance, do Gazprom sở hữu 50%. UniCredit đóng vai trò là người bảo lãnh cho vay để xây dựng nhà máy.
Tháng trước, tòa án Nga đã ra lệnh tịch thu các tài khoản của UniCredit tại Nga cũng như tất cả cổ phần của UniCredit Leasing và Unicredit Garant - hai công ty con của chi nhánh UniCredit ở Nga.
Đầu tháng 5, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gửi thư tới các tổ chức cho vay lớn, bao gồm UniCredit, kêu gọi giảm làm ăn với Nga.
Bloomberg dẫn lời Giám đốc điều hành UniCredit Andrea Orcel cho biết vào thời điểm đó: “Mọi ngân hàng ở châu Âu có bất kỳ hình thức tiếp xúc nào với Nga đều có khả năng nhận được thư”, đồng thời lưu ý rằng chiến lược của ngân hàng là cắt hoàn toàn làm ăn với Nga vào cuối năm 2025.
Theo Bloomberg, tính đến đầu tháng 5, UniCredit đã cắt giảm 91% làm ăn với Nga.
Đáp trả của Mátxcơva đối với UniCredit vì dự án khí đốt bị hủy bỏ diễn ra khi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào hoạt động xuất nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng LNG của Nga.
Ngày 24.6, các nước EU đã thông qua gói trừng phạt Nga thứ 14, bao gồm lệnh tái xuất LNG Nga khỏi các cảng của EU sang nước thứ 3, đồng thời bật đèn xanh cho khả năng Thụy Điển và Phần Lan hủy các hợp đồng LNG hiện có của Nga.
Theo Reuters, những chuyến hàng trung chuyển LNG này chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng xuất khẩu LNG của Nga, do đó, tác động của lệnh cấm này là không đáng kể.