NASA công bố video toàn cảnh sao Hỏa rõ nét
NASA gần đây đã công bố một video ngoạn mục về toàn cảnh trên sao Hỏa một cách rõ nét nhất. Các hình ảnh được tàu thám hiểm Curiosity thu thập hồi tháng 7 sau khi tàu này leo qua núi Sharp - một đỉnh cao 8km và nằm trong lưu vực của miệng núi lửa Gale của sao Hỏa.
Tính đến thời điểm này, tàu thám hiểm Curiosity đã ở trên hành tinh đỏ được 9 năm, tiến hành các nghiên cứu về thành phần khoáng chất và tìm kiếm khả năng tồn tại sự sống trên sao Hỏa. Theo thông báo của NASA, hiện tại đang là mùa đông ở miệng núi lửa Gale nên bụi đỏ trên sao Hỏa đã lắng xuống và tàu Curiosity có cơ hội tuyệt vời để thu thập những bức ảnh rõ nét hơn.
Trung Quốc tính xây tàu vũ trụ gấp 10 lần Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS
Theo đề cương dự án do Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc công bố gần đây, dự án lắp ráp tàu vũ trụ cỡ lớn là một trong những dự án lớn đầu tiên sẽ được nghiên cứu trong 5 năm tới.
Tin tức đưa ra đã làm dậy sóng mạng xã hội Trung Quốc, đặc biệt là trong giới hâm mộ khoa học không gian. Một số người chỉ ra rằng, tàu vũ trụ của Trung Quốc, được thiết kế với kích thước hàng km, ít nhất sẽ dài gấp 10 lần chiều dài của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Theo phác thảo của dự án, tàu vũ trụ bao gồm một số module sẽ được phóng trong nhiều lần và sau đó được lắp ráp trong không gian.
3 nhật thực xảy ra cùng lúc trên sao Mộc
Sao Mộc diễn ra hiện tượng hiếm gặp khi 3 nhật thực xảy ra cùng lúc ở 3 mặt trăng lớn nhất của hành tinh này.
Ba mặt trăng khổng lồ của sao Mộc - gồm Europa, Ganymede và Callisto - tất cả cùng đổ bóng xuống bề mặt hành tinh này trong 3 hiện tượng nhật thực xảy ra đồng thời.
Christopher Go, một nhà thiên văn nghiệp dư ở Philippines, đã chụp lại được những cảnh tượng ấn tượng này vào khoảng nửa đêm ngày 15.8. Theo nhà khoa học hành tinh Kunio Sayanagi tại Đại học Hampton, lần cuối cùng xảy ra đồng thời 3 hiện tượng ''quá cảnh'' là vào năm 2015 và lần tiếp theo sẽ phải chờ cho đến năm 2032.
Vật thể khổng lồ bí ẩn ở rìa Dải Ngân hà
Các nhà thiên văn học Trung Quốc đã phát hiện ra một sợi khí và bụi khổng lồ ở rìa Dải Ngân hà. Đó có thể là một nhánh mới của Dải Ngân hà.
Vật thể mới này được đặt tên là Cattail và vẫn chưa được lập bản đồ đầy đủ. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, nó có thể là một nhánh trước đây chưa được biết đến của Dải Ngân hà, vì thực tế là chúng ta vẫn chưa khám phá hết thiên hà của chính chúng ta.
Trong vài năm qua, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã thực hiện các nghiên cứu có hệ thống về Cygnus-X - một vùng hình thành sao khổng lồ cách chúng ta 4.500 năm ánh sáng. Trong khi quan sát Cygnus-X, họ đã tình cờ phát hiện Cattail ở rất xa phía sau.
Các nhà nghiên cứu xác định Cattail là một đối tượng địa lý trải dài gần 3.600 năm ánh sáng và cách Trái đất 68.000 năm ánh sáng. Điều đó khiến Cattail trở thành đối tượng địa lý lớn nhất và sợi khí khổng lồ xa nhất từng thấy.
Các "vị khách" thường xuyên ghé thăm Hệ Mặt trời
Hệ Mặt trời được các sao chổi từ hệ sao khác ghé thăm thường xuyên hơn giới khoa học vẫn nghĩ, theo nghiên cứu mới.
Tạp chí the Journal Monthly Notices of the Royal Astronomical Society ngày 24.8 đã công bố một nghiên cứu mới. Nghiên cứu được tiến hành dựa trên dữ liệu thu thập được khi sao chổi Borisov lao qua Trái đất ở khoảng cách khoảng 300 triệu km vào cuối năm 2019.
Kết quả cho thấy kho lưu trữ sao chổi ở ngoài rìa Hệ mặt trời, còn được gọi là Đám mây Oort, có thể chứa đầy các vật thể được sinh ra từ các ngôi sao. Nói cách khác, các sao chổi từ hệ sao khác bên ngoài có mặt ở đám mây Oort thậm chí còn nhiều hơn các vật thể vốn có của đám mây này.
Các nhà thiên văn hy vọng rằng với sự xuất hiện của các kính thiên văn thế hệ tiếp theo, chẳng hạn như Đài quan sát Vera C. Rubin đang được xây dựng ở Chile, việc nghiên cứu các sao chổi và tiểu hành tinh ngoài Hệ mặt trời sẽ thực sự sang trang.
Phát hiện hành tinh có sự sống chỉ cần 2-3 năm
Các nhà thiên văn học xác định lớp ngoại hành tinh mới là "Hycean" có thể đẩy nhanh quá trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất. Những ngoại hành tinh này lớn gấp 2,5 lần Trái đất và có đại dương nước lỏng khổng lồ bên dưới bầu khí quyển giàu hydro.
Những hành tinh Hycean dường như cực kỳ phong phú trong suốt Dải Ngân hà và có thể là nơi chứa sự sống của vi sinh vật tương tự như "những sinh vật ái cực" phát triển mạnh ở trong một số điều kiện khắc nghiệt nhất vốn gây hại cho đa phần sự sống trên Trái đất.