Tim than Ostrava có còn đập mãi?

Ghi chép của Kiều Bích Hậu |

Nếu ai đã một lần đặt chân tới Ostrava, thành phố lớn thứ ba của Cộng hòa Czech, được coi như thủ đô công nghiệp nặng vùng Trung Âu, mà lại không chui xuống khu hầm lò Vitkovice để nhìn tận mắt một thế giới ngầm - nơi tim than Âu châu từng đập mạnh mẽ khơi dậy sức sống cho cả một vùng công nghiệp sầm uất, thì sẽ là một thiệt thòi lớn cho chính mình.

Vì lẽ đó, tôi đã tự nhủ, nếu chưa chui xuống hầm lò Vitkovice, tôi sẽ chưa chịu rời khỏi Ostrava.

1. Từ thế kỷ 18 cho tới thế kỷ 20, khi phát hiện mỏ than chất lượng cao tại Ostrava và đưa vào khai thác, Ostrava đã được coi là tim than của Czech và vùng Trung Âu. Than cốc được luyện từ nguồn than khai thác ở vùng Vitkovice của Ostrava đã tạo nên nguồn cung ứng năng lượng quan trọng cho hoạt động của cả khu vực công nghiệp nặng hiện đại nhất tại đây.

Những mỏ than ngày càng khoét sâu vào lòng đất, từ độ sâu vài chục mét cho tới hàng trăm mét, và sâu nhất tới hai ngàn mét dưới lòng đất. Từ nguồn than này, đã tạo nên ngành luyện thép, sản xuất gas, hóa chất hoạt động mạnh mẽ nơi đây, sản sinh ra những tỷ phú ngành thép, hóa chất, ôtô... Đặc biệt là từ một thị trấn nhỏ chỉ có hơn 1.000 cư dân, Ostrava với tiếng gọi của vàng đen, đã thu hút người từ khắp nơi đổ về đây làm việc, khiến nó dần phình ra thành một thành phố lớn với 300.000 cư dân sinh sống. Ngoài mỏ than và nhà máy thép, nơi đây đã mọc lên những khu chung cư cao tầng đầy sức sống, những khu mua sắm sầm uất với các thương hiệu lừng danh thế giới, những con đường thương mại ngập tràn hàng hóa và đậm mùi thức ăn thơm ngon, những khu phố đêm với các quán bar, sàn nhảy hoạt động thâu đêm. Nhưng điều đặc biệt nhất khi leo lên tháp Bu-lông tại khu nhà máy thép Vitkovice hoặc tháp đồng hồ ở tòa thị chính thành phố Ostrava, phóng tầm mắt ra xung quanh, bạn sẽ ngợp đi trước những hàng rào nhà máy với ống khói lừng lững hãnh diện vươn lên trời cao, lấn át độ cao của núi quanh vùng. Điều đó là biểu tượng cho sức mạnh công nghiệp nặng của thành phố miền bắc này của Czech.

Sau khi leo lên hai ngọn tháp cao nhất Ostrava để bao quát toàn cảnh thành phố công nghiệp sầm uất, tôi đã tụt xuống độ sâu hầm lò 622 mét để thực địa cuộc sống lao động ngầm dưới lòng đất của đông đảo lớp công nhân mỏ than xưa kia. Dù đã mường tượng trước về những khó khăn và nguy hiểm của công việc đặc thù này (một trong mười nghề nguy hiểm nhất trên thế giới), nhưng tôi vẫn choáng váng khi dấn bước trong hầm lò. Hơi lạnh từ đất ngấm dần qua lớp giày da dưới chân tôi, ngấm qua hai lần tất len, dần thấu lên tim. Hoặc cũng có thể cảnh tượng hầm lò phơi bày trần trụi trước mắt khiến cho cơn rợn người trong tôi càng lên cực điểm. Quả thực, dù cho có nghĩ rằng, từ thời xưa, đất nước này đã làm hết sức để bảo vệ công nhân hầm mỏ than của họ, nhưng chắc chắn không gì có thể đảm bảo cho mạng sống của người công nhân khi anh đã tự nguyện chui xuống độ sâu tới cả trăm mét, ngàn mét dưới lòng đất. Ý nghĩ về một cái hầm lò chôn sống người không ngừng ám ảnh tôi.

Máy khai thác than.
Máy khai thác than.

2. Tôi dám chắc rằng, một phần vì nỗi ám ảnh đó, nên rất ít người chịu xuống tham quan hầm lò dù đây được coi là một di tích quốc gia. Hôm ấy, vào giữa xuân Trung Âu, khi nắng vàng rực và trời đã ấm, tuyết đã tan từ lâu, trời ấm trên 10 độ C, một đoàn chừng hơn 20 người chúng tôi, chỉ duy nhất tôi là người Á, còn họ đều là người Châu Âu, tới thăm khu di tích mỏ than. Cả đoàn tới khu bảo tàng nổi trên mặt đất tham quan phương án cứu nạn sập hầm của đội ngũ nhân viên cứu nạn hầm lò thế kỷ trước. Những nhân viên cứu nạn này được coi như những anh hùng và được tặng thưởng nhiều huy chương. Cả đoàn cùng xem một video về cảnh khai thác than dưới hầm lò từ thế kỷ 19-20. Sau đó, hầu hết họ ra về, chỉ còn tôi và một bạn trẻ người Âu mua tiếp vé chặng hai để xuống tham quan hầm lò. Khi tôi hỏi, tại sao mọi người không đi tiếp chặng hai để xuống hầm lò? Một anh đoàn trưởng nhún vai trả lời, chúng tôi chưa sẵn sàng. Tôi chỉ còn một người đồng hành duy nhất, là một cậu sinh viên ngành Du lịch người Czech, và người hướng dẫn thăm quan hầm lò. Suy cho cùng, chẳng ai sẵn sàng chui sâu cả nghìn mét xuống dưới hầm lò như địa ngục, để chứng kiến cảnh trớ trêu khi con người đã mạo hiểm mạng sống của mình một cách đơn giản như thế nào. Và tôi, đã không thoát khỏi cảm giác có lỗi trước những người công nhân đã từng phơi mình trong những hầm lò lạnh lẽo này, nơi thần chết xảo quyệt luôn rình rập bên cạnh, nơi mỗi đường hầm có thể trở thành mộ chôn mình bất cứ khi nào. Tôi cứ tự hỏi, tại sao những người Châu Âu này, lại chấp nhận làm một công việc kinh khủng đến thế?

Hầm lò 1.
Hầm lò 1.

3. Hầm được chống bằng những thân gỗ lớn đã tróc vỏ, nóc hầm được chắn bằng những thân gỗ nhỏ hơn, ken chặt. Đây hầu hết là những loại gỗ thân mềm. Dưới sức ép của đất, những thân gỗ này có thể toác ra bất cứ lúc nào. Trong những khe hầm hẹp, những người công nhân mặc những bộ quần áo bảo hộ lao động lấm lem, mặt mũi cũng một màu than đen nhẻm, đang ra sức lao những xẻng, thuổng vào vách hầm để lôi quặng than ra. Dù trong khe hầm chỉ là những hình nộm người, nhưng nó vẫn gây ấn tượng mạnh tới mức tôi chỉ muốn thoát ra khỏi hầm lò ngay lúc ấy. Khi đã bước chân vào đây, khác nào dấn vào hố chôn người tập thể. Chỉ một sơ xuất nhỏ, hoặc cũng chẳng cần sơ xuất nào từ người thợ hầm lò, mà chỉ là trò chơi của thần chết, một tia lửa chợt lóe và khí mê tan nổ, một đoạn hầm sập, hoặc toàn bộ hầm lò bị sập, thế là họ chẳng còn gì nữa trên đời.

Người hướng dẫn viên già người Czech dừng lại ở một đoạn hầm, chạm khẽ tay vào một cái lồng chim nhỏ. Đã chẳng còn con chim nào ở đấy. Nhưng cái lồng nhỏ này, với một chú chim nhỏ, được thợ mỏ đưa xuống hầm lò với mình. Chẳng phải họ cho chim xuống hầm lò để giải trí mà là vì tính mạng của chính mình. Mải miết làm việc đến đâu thì thỉnh thoảng cũng phải ngó lên lồng chim trông chừng. Nếu chú chim lả đi, ngay lập tức thợ mỏ phải thoát khỏi hầm lò mới đảm bảo tính mạng. Trong hầm mỏ luôn tích tụ loại khí độc có thể khiến thợ mỏ xỉu bất cứ lúc nào. Và việc đưa người đã ngất xỉu lên mặt đất cấp cứu dù được làm nhanh tới đâu, nguy cơ sống sót cũng rất thấp.

Nếu không có than, thì làm gì ra sắt thép và các ngành công nghiệp khác phục vụ cho cuộc sống tiện nghi của chúng ta hôm nay. Than vốn đã là nguồn năng lượng cốt lõi cho các ngành công nghiệp hoạt động. Vì thế, dấn từng bước nơi hầm lò, ngoài nỗi choáng ngợp, sự kính sợ, nể phục và thương cảm thì trong tôi dấy lên lòng biết ơn vô hạn đối với những người thợ hầm lò ở Vitkovice - những người tôi chưa từng biết mặt, nhưng tôi có thể đọc tên vài người viết trên bảng đen nhỏ gắn ở vách hầm lò. Trái tim than vẫn như rung ngân từng nhịp trong hầm lò ẩn sâu dưới lòng đất, làm tôi chấn động mãi mãi. Tôi biết, dù mình có ra khỏi hầm lò này, thì mãi đến sau này, khi ánh mắt tôi chạm vào sắt thép, vào bất cứ vật dụng gì, tôi cũng không thể nhìn thoáng qua vô tư lự được nữa, bởi chúng đều mang linh hồn và ám sức lao động khủng khiếp của người thợ hầm lò than.

Được lên mặt đất, ra khỏi hầm lò, trong nhiều phút, tôi không thể nhấc chân rời khỏi nơi đây. Một câu hỏi nặng trĩu trong lòng tôi: Tại sao các anh phải chọn công việc này?

Thợ mỏ trong một khe hầm lò.
Thợ mỏ trong một khe hầm lò.

4. Nỗi ám ảnh của tôi đã được phần nào giải tỏa, khi sau hơn một tháng tham quan hầm lò Vitkovice, tôi đã gặp ông già Bukov S - người từng là thợ hầm lò - sống tại làng Chodoun, ngôi làng nằm cách Thủ đô Praha (Cộng hòa Czech chừng 45km). Già Bukov đã 76 tuổi, hiền lành, điềm tĩnh, và trông có vẻ rất hạnh phúc bên cạnh bà Marie S - vợ ông. Marie là vợ thứ hai của ông, mà ông cưới bà khi đã nghỉ hưu, nghĩa là sau khi ông không còn là thợ lò nữa. Thời ông còn đi làm, công việc làm ca, thời gian sinh hoạt khác thường của ông cũng là một cái cớ để người vợ cũ của ông đòi ly dị. Ông cũng mắc bệnh phổi và hiện nay, mỗi khi giao mùa, Bukov vẫn phải vào bệnh viện điều trị. Khi tôi hỏi, ông có bị ám ảnh bởi nghề nguy hiểm mà mình dấn thân suốt quãng đời đi làm hay không, ông lắc đầu. Ông kể, lúc đầu xuống hầm lò, cũng có chút choáng ngợp, nhưng rồi khi bắt đầu làm việc ở đó hàng ngày, thì thấy bình thường thôi. Ông, cũng như những người thợ khác, chẳng ai nghĩ đến cái chết dưới hầm lò. Dù họ biết là có thể có rủi ro, nhưng không ai nghĩ rủi ro đến với mình, và thế là họ an yên làm việc.

- Còn những “tác dụng phụ” khác thì sao? Ví dụ vợ bỏ, hoặc bệnh phổi chẳng hạn? - tôi mạnh dạn hỏi Bukov.

- Cũng có hơn gì nghề khác đâu? - Bukov đáp. Như mấy ông bạn tôi, dù không làm nghề thợ hầm lò, vẫn bị ung thư phổi và ra đi trước tôi, có thể họ hút thuốc lá quá nhiều, mà tôi thì không. Như vậy, theo kết luận chủ quan của tôi, bụi than không ăn thua gì so với khói thuốc. Rồi ông bạn khác, bỏ tới ba vợ, đến vợ thứ tư cũng chưa an yên, mà ông ấy có làm thợ hầm lò đâu! Tất cả là do mình, bản thể mình, chứ đừng nghĩ là vì nghề.

Vậy đó, câu trả lời của Bukov S - một thợ hầm lò bình thường, người đã trải qua nghề nguy hiểm một cách giản dị - cứ thế mà neo vào lòng tôi, như thông điệp sâu từ trái tim của đất.

Ghi chép của Kiều Bích Hậu
TIN LIÊN QUAN

Czech ngừng cấp visa lao động phổ thông cho Việt Nam

HÀ LIÊN |

Từ ngày 1.9, Đại sứ quán Cộng hòa Czech tại Hà Nội ngừng tiếp nhận đơn xin cấp thẻ lao động cho người lao động có trình độ trung bình và thấp và đơn xin thị thực dài hạn theo mục đích kinh doanh.

Cộng hòa Czech cấp lại visa dài hạn cho lao động Việt Nam

ANH THƯ |

Từ tháng 8, Đại sứ quán Czech tại Hà Nội sẽ trực tiếp tiếp nhận hồ sơ xét duyệt đợt đầu cho 200 công dân Việt Nam sang làm việc.

Czech cam kết thúc đẩy EU hoàn tất thủ tục để ký EVFTA trong 1-2 tháng

Thanh Hà |

Chiều 17.4 (giờ Việt Nam), tại hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis nhấn mạnh, Czech ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và EU, đặc biệt là sẽ thúc đẩy EU sớm hoàn tất các thủ tục để ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) trong vòng 1-2 tháng tới.

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Czech ngừng cấp visa lao động phổ thông cho Việt Nam

HÀ LIÊN |

Từ ngày 1.9, Đại sứ quán Cộng hòa Czech tại Hà Nội ngừng tiếp nhận đơn xin cấp thẻ lao động cho người lao động có trình độ trung bình và thấp và đơn xin thị thực dài hạn theo mục đích kinh doanh.

Cộng hòa Czech cấp lại visa dài hạn cho lao động Việt Nam

ANH THƯ |

Từ tháng 8, Đại sứ quán Czech tại Hà Nội sẽ trực tiếp tiếp nhận hồ sơ xét duyệt đợt đầu cho 200 công dân Việt Nam sang làm việc.

Czech cam kết thúc đẩy EU hoàn tất thủ tục để ký EVFTA trong 1-2 tháng

Thanh Hà |

Chiều 17.4 (giờ Việt Nam), tại hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis nhấn mạnh, Czech ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và EU, đặc biệt là sẽ thúc đẩy EU sớm hoàn tất các thủ tục để ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) trong vòng 1-2 tháng tới.