Tàu ngầm Nga Rostov-on-Don đã bị tấn công tại cảng Sevastopol vào ngày 2.8 - CNN đưa tin, dẫn lời Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraina cho biết trong một tuyên bố hôm 3.8.
Bộ Tổng tham mưu nói “chiếc tàu chìm ngay tại chỗ", nhưng không cung cấp thêm bằng chứng.
Bộ Quốc phòng Ukraina ca ngợi vụ tấn công, viết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng "một tàu ngầm Nga đã chìm xuống đáy Biển Đen" sau khi bị tấn công tại cảng Sevastopol. Hậu quả của vụ tấn công là tàu ngầm bị chìm. Làm tốt lắm, các chiến binh".
Crimea sáp nhập với Nga vào năm 2014. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraina bùng nổ hơn 2 năm trước, nơi này đã bị lực lượng Kiev nhiều lần tấn công.
CNN không thể xác minh độc lập tuyên bố nói trên của Ukraina và Bộ Quốc phòng Nga cũng chưa đưa ra bình luận.
Thống đốc Sevastopol Mikhail Razvozhayev cho biết các cuộc tập trận phòng thủ tàu ngầm đã diễn ra vào ngày 3.8 và "mọi thứ đều bình yên trong thành phố".
Trong một bài đăng ngày 3.8, blogger quân sự người Nga Boris Rozhin viết rằng nhà máy sửa chữa tàu ở Sevastopol, nơi tàu ngầm neo đậu, dường như đã bị tấn công.
Được đưa vào sử dụng năm 2014, Rostov-on-Don là tàu ngầm lớp Kilo II, dài 73,8 mét, chở theo 52 thủy thủ đoàn. Với lượng giãn nước khi lặn là 3.100 tấn, tàu chạy bằng điện-diesel này có thể mang theo tên lửa hành trình Kalibr.
Việc tiêu diệt các khí tài của Nga được trang bị tên lửa Kalibr là một phần quan trọng trong chiến lược quân sự của Ukraina vì Nga đã sử dụng Kalibr và các tên lửa tương tự để tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraina - Cedric Leighton, nhà phân tích quân sự của CNN cho biết.
Ukraina từng nhắm vào tàu ngầm Rostov-on-Don trước đây. Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraina, tàu ngầm đã "bị hư hại nghiêm trọng" trong một cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraina vào tháng 9.2023.
Sau cuộc tấn công đó, các bức ảnh tình báo nguồn mở, bao gồm cả những bức ảnh do Bộ Quốc phòng Anh trích dẫn, đã cho thấy những gì mà Bộ này cho là "thiệt hại thảm khốc".
Nhưng Bộ Tổng tham mưu Ukraina cho biết tàu Rostov-on-Don đã được sửa chữa và gần đây đã được thử nghiệm tại vùng biển cảng Sevastopol.
Tổn thất nặng nề nhất của Hải quân Nga trong cuộc xung đột là vụ chìm tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Mátxcơva vào tháng 4.2022.
Tháng 10 năm ngoái, hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã di dời một số tàu hải quân ra khỏi Sevastopol sau một loạt các cuộc tấn công của Ukraina.
Ngoài việc tấn công tàu ngầm, lực lượng Ukraina cũng tuyên bố đã phá hủy nghiêm trọng bốn bệ phóng tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Leighton cho biết việc phá hủy S-400 có thể giúp mở ra bầu trời trên Crimea cho các máy bay chiến đấu của Ukraina tấn công nhiều mục tiêu của Nga hơn.
Trong một diễn biến khác, người đứng đầu Tổng cục Tình báo Ukraina (GUR) Kirill Budanov cho biết Kiev đang lập kế hoạch phá hủy cầu Crimea trong vài tháng tới hoặc vào cuối năm nay - RT đưa tin.
Các quan chức cấp cao Ukraina, bao gồm cả Tổng thống Volodymyr Zelensky, đã biện minh cho những nỗ lực liên tục của Kiev nhằm phá hủy cây cầu giữa bán đảo Crimea và tỉnh Krasnodar, tuyên bố rằng nó có giá trị hậu cần đáng kể đối với quân đội Nga.
Cây cầu đã được hoàn thành vào năm 2020. Kể từ khi xung đột Ukraina leo thang vào năm 2022, Kiev đã thực hiện một số nỗ lực để phá hủy cây cầu, bao gồm cả việc sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp, máy bay không người lái của hải quân chứa đầy thuốc nổ, cũng như thuốc nổ được tuồn lậu trong xe.
Mặc dù Ukraina bỏ ra không ít nỗ lực, song cầu Crimea chỉ bị hư hại 2 lần.