Trang tin tức địa phương Bundaberg Now của Australia đưa tin, nhà động vật biển và là hướng dẫn viên rạn san hô Jacinta Shackleton đã may mắn bắt gặp một con bạch tuộc chăn trong khi đi lặn ngoài khơi đảo Lady Elliot ở bang Queensland hồi đầu tháng 1.
"Lần đầu tiên nhìn thấy nó, tôi nghĩ đó có thể là một con cá có vây dài. Nhưng khi đến gần hơn và nhận ra đó là một con bạch tuộc chăn, tôi đã vui mừng khôn xiết và không kìm được sự phấn khích!" - Shackleton nói với Bundaberg Now.
Theo tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ rặng san hô mang tên theo Great Barrier Reef Foundation, bạch tuộc chăn là một nhóm nhỏ các loài bạch tuộc hiếm gặp của chi Tremoctopus. Việc Shackleton bắt gặp một con loài này ở vùng nước nông là đặc biệt hiếm gặp vì những con bạch tuộc này thường sống giữa đại dương.
Chỉ những con bạch tuộc chăn cái mới có chiếc màng đặc trưng như vậy. Mỗi khi gặp kẻ thù, chúng có thể xòe áo choàng ra để đánh lạc hướng hoặc tấn công.
Bạch tuộc chăn cái lớn hơn rất nhiều so với con đực và dài tới khoảng 2m, trong khi con đực dài không quá 2,4m, theo Tổ chức Great Barrier Reef. Đây là một trong những khác biệt lớn nhất về kích thước giữa 2 giới tính của bất kỳ loài động vật nào.
Để có thể thực hiện hoạt động sinh sản với những con cái lớn hơn rất nhiều, bạch tuộc chăn đực sẽ tiết tất cả tinh dịch vào 2 chiếc vòi trước sau đó dứt ra và đưa vào cơ quan sinh dục của con cái để giao phối. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ này, con đực cũng sẽ chết.