Con mực hiếm thấy được các nhà quan sát mô tả là "ma quái", "ngoài hành tinh" có xúc tu dài tới 6,4m. Video do NOAA Ocean Exploration phát hành được ghi lại trong cuộc thám hiểm biển sâu Deep 2021. Cuộc thám hiểm này bao gồm hàng loạt đợt lặn thám hiểm môi tường biển bằng phương tiện điều khiển từ xa diễn ra từ 26.10 đến 15.11.
Đại dương bao phủ khoảng 70% bề mặt Trái đất, nhưng chỉ 20% trong số đó đã được lập bản đồ. Điểm sâu nhất của đại dương được biết đến là vực thẳm Challenger ở rãnh Mariana có độ sâu 10.902m.
Con mực tay dài được ghi lại ngày 9.11 trong chuyến lặn diễn ra ở ngoài khơi phía tây Florida khi nhóm nghiên cứu quan sát một loài thực vật trên thềm đá ở độ sâu hơn 2.438m. Khi máy quay xoay lại, nhóm nghiên cứu phát hiện ra con mực ở phía xa và theo dõi sinh vật biển bí ẩn này.
Nhà động vật học Michael Vecchione chia sẻ với Newsweek rằng, một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu đang thử ước tính kích thước của con mực tay dài. Xúc tu lớn nhất có tổng chiều dài khoảng 6,4m, với phần lớn chiều dài ở xúc tu cực kỳ dài trong khi phần thân con mực dài khoảng 30cm.
Không có nhiều quan sát về mực tay dài thuộc chi Mangapinna được ghi nhận. Theo chuyên gia Vecchione, chỉ có khoảng hơn 10 lần phát hiện sinh vật hiếm thấy này.
“Mực tay dài là loại mực sâu nhất từng được biết đến" - ông Vecchione lưu ý. Tới nay, độ sâu kỷ lục từng phát hiện mực tay dài là 4.734m. Tuy nhiên, chuyên gia Vecchione tiết lộ, các nhà khoa học đã ghi lại được hình ảnh sinh vật kỳ lạ này ở độ sâu lớn hơn rất nhiều nhưng đang trong quá trình làm việc trước khi chính thức công bố phát hiện.