Tuần trước, nhân viên Công viên thuỷ sinh Seaside được cảnh báo về một hiện tượng hiếm gặp ở bãi biển phía bắc thành phố Oregon (bang Oregon, Mỹ): Một con cá kỳ lạ, hình tròn, vảy lấp lánh, nặng 45kg đã mắc cạn vào bờ.
Tờ Washington Post mô tả toàn thân con cá dài 1m bao phủ bởi vảy màu bạc, màu đỏ cam tươi, điểm xuyết những đốm trắng. Đôi mắt lớn của cá màu vàng.
Tiffany Boothe - trợ lý giám đốc Công viên thuỷ sinh Seaside - cho biết đây là cá mặt trăng đầu tiên cô nhìn thấy trên các bãi biển trong khu vực. Boothe không rõ con cá này chết như thế nào, nhưng nói rằng con cá chỉ vừa mới chết khi được tìm thấy, nó vẫn còn tươi.
"Con cá có vẻ ngoài khác thường gây xôn xao lớn" - Công viên thuỷ sinh Seaside đăng trên Facebook kèm bức ảnh con cá hôm 14.7. Công viên hoan nghênh càng nhiều người đến xem cá càng tốt.
Heidi Dewar, nhà sinh vật học thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, mặc dù việc mắc cạn là bất thường, nhưng điều đặc biệt hơn là kích cỡ con cá.
"Biến đổi khí hậu cũng có thể đóng một vai trò nào đó. Chúng tôi đang thấy một số sinh vật biển di chuyển về phía bắc khi nhiệt độ đại dương tăng lên” - Dewar nói, đồng thời lưu ý rằng nếu không có dữ liệu chắc chắn, khó để nói điều gì khiến con cá mặt trăng này mắc cạn.
Cá mặt trăng (opah) có thể dài gần 2m và nặng hơn 270kg. NOAA cho biết, loài cá này được tìm thấy ở các vùng biển nhiệt đới và ôn đới, bao gồm các đảo Thái Bình Dương và các vùng Bờ Tây, Đông Nam, New England và Trung Đại Tây Dương của Mỹ.
Theo NOAA, vẫn còn nhiều điều chưa biết về loài cá này, bao gồm cả tuổi thọ trung bình của nó. Rất ít nghiên cứu sinh học cơ bản và sinh thái học về cá mặt trăng được tiến hành. Dewar cho biết các nhà sinh vật học vẫn đang nghiên cứu các phương pháp để xác định tuổi thọ của cá mặt trăng.
Vào năm 2015, các nhà nghiên cứu của NOAA viết trên tạp chí Science rằng, cá mặt trăng là loài cá máu nóng duy nhất được biết đến. Nhờ có máu nóng lưu thông khắp cơ thể, cá mặt trăng có thể trở thành một loài động vật cư trú và động vật săn mồi đáng sợ ở những vùng nước sâu, lạnh giá của đại dương.
Boothe nói: “Không có nhiều thông tin về những con cá xinh đẹp này, vì vậy bất cứ điều gì chúng ta có thể học được sẽ có ích".
Con cá mặt trăng trôi dạt vào Oregon vào tuần trước sẽ được trữ đông lạnh cho đến cuối năm nay để sinh viên có cơ hội giải phẫu với sự giúp đỡ của Bảo tàng Hàng hải Sông Columbia.