Kinh tế Việt Nam chắc chắn đạt mục tiêu tăng trưởng 2022
Bloomberg nhận định, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2022, vì tăng trưởng quý II tốt hơn dự kiến cho thấy sự phục hồi trên diện rộng của cường quốc xuất khẩu Đông Nam Á.
Theo hãng tin có trụ sở tại Mỹ, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng nhanh hơn dự kiến trong quý II là nhờ xuất khẩu và sản xuất phục hồi, giúp bù đắp rủi ro do dịch COVID-19 và giá dầu tăng. Bloomberg dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 7,72% so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, so với 5,05% của quý trước. Tốc độ này nhanh hơn so với con số 5,9% trong một cuộc khảo sát của Bloomberg, là mức cao nhất kể từ ít nhất quý I năm 2013. Tăng trưởng quý II đã giúp nâng mức tăng trưởng trong nửa đầu năm lên 6,42% so với một năm trước, cao hơn dự báo của Tổng cục Thống kê là 5,5%. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6% - 6,5%.
Theo Bloomberg, kết quả tăng trưởng đạt được đồng thời với việc Việt Nam nổi lên như một trong những điểm đến thay thế cho đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thương mại bị gián đoạn do Trung Quốc đóng cửa vì COVID-19, cuộc xung đột ở Ukraina và căng thẳng kéo dài giữa Bắc Kinh và Washington.
Nền kinh tế cũng được hưởng lợi từ đợt kích thích tài khóa ước tính khoảng 347.000 tỉ đồng (15 tỉ USD) và chính sách tiền tệ linh hoạt khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trở thành một trong số ít ngân hàng cuối cùng chống lại được chu kỳ thắt chặt toàn cầu. Ngân hàng Thế giới cho biết trong báo cáo tháng 6 về Việt Nam rằng, sự phục hồi kinh tế vẫn mạnh mẽ bất chấp những bất ổn toàn cầu gia tăng. Tuy nhiên, các nhà chức trách nên cảnh giác về rủi ro lạm phát liên quan đến việc giá nhiên liệu tiếp tục tăng và nhập khẩu tăng.
Tờ Jordan Times cũng có bài viết với nhan đề: “Kinh tế Việt Nam quý II tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 11 năm”. Tờ báo cho biết, sự tăng trưởng nhanh chóng này có được là nhờ xuất khẩu phục hồi và dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa COVID-19. Tăng trưởng cường quốc sản xuất đã giảm ở mức khoảng 3% trong 2 năm liên tiếp khi đại dịch đóng cửa hầu hết thế giới và chính quyền cũng áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Tuy nhiên, GDP quý II/2022 của Việt Nam đã tăng 7,72%, mức tăng tốt nhất kể từ năm 2011. Doanh thu từ xuất khẩu tăng 21% lên 96,80 tỉ USD trong giai đoạn này. Chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam tăng 2,96% trong quý II.
Nhật báo Lianhe Zaobao ở Hồng Kông (Trung Quốc) nêu bật mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam là 7,72% trong quý II. So với các nước thành viên ASEAN và các nước trên thế giới, đây là mức tăng trưởng khá cao, đồng thời Việt Nam cũng giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, theo nhật báo Lianhe Zaobao.
Tờ báo ghi nhận kể từ khi Việt Nam dần dỡ bỏ các biện pháp chống COVID-19 vào cuối năm 2021, các ngành công nghiệp và nhà máy trong nước đã trở lại hoạt động hoàn toàn, thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ.
Nền kinh tế Việt Nam thu hút các nhà xuất khẩu
Trang 1news.co.nz của New Zealand cho biết, Việt Nam nổi lên như một lựa chọn tốt cho các nhà xuất khẩu New Zealand đang tìm cách đa dạng hóa thị trường của mình. Bài viết trích dẫn báo cáo của Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand cho hay, từ năm 2016 đến năm 2021, Việt Nam dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn so với các thị trường lớn khác của ASEAN như Singapore, Malaysia, Philippines.
Bài báo cũng dẫn lời các chuyên gia cho rằng có ba yếu tố chủ chốt ở thị trường Việt Nam sẽ hấp dẫn các doanh nghiệp New Zealand, đó là thị trường tiêu dùng địa phương, môi trường địa chính trị an toàn và mạng lưới thương mại tự do tuyệt vời.
Hiện tại, các sản phẩm thực phẩm và đồ uống chiếm gần 2/3 xuất khẩu của New Zealand sang Việt Nam và dự kiến sẽ tăng trưởng hơn nữa vì người tiêu dùng đã có ý thức hơn về sức khỏe sau COVID-19.
Trong báo cáo Triển vọng toàn cầu quý III/2022, ngân hàng United Overseas Bank (UOB) có trụ sở tại Singapore đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,5% lên 7,0%. Ngân hàng cho biết, dự báo dựa trên tốc độ tăng trưởng mạnh trong quý II/2022. Dự báo được đưa ra với giả định rằng sẽ không có gián đoạn nội địa nghiêm trọng nào nữa do COVID-19 và tốc độ tăng trưởng trong nửa cuối năm dự kiến vào khoảng 7,6 - 7,8%.
Nếu so với những dự báo gần nhất của ngân hàng UOB về tình hình phát triển các nước trong khối ASEAN-6, dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ cao nhất trong khu vực. UOB dự báo tăng trưởng năm 2022 của Singapore và Thái Lan chỉ hơn 3%; Indonesia 4,8%; Malaysia và Philippines lần lượt ở mức 5,5% và 6,5%.
Theo UOB, Việt Nam có thể kiểm soát được áp lực lạm phát vì giá lương thực ổn định. Tuy nhiên, UOB lưu ý, rủi ro lạm phát là đáng kể do tốc độ tăng giá năng lượng nhanh chóng có thể sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của nền kinh tế, đặc biệt là nếu giá cao hơn vẫn tiếp tục.