Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm cách gia nhập nhóm các quốc gia BRICS và có ý định đưa ra vấn đề này tại cuộc họp sắp tới của các ngoại trưởng BRICS ở Nga - RT dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tuyên bố hôm 4.6.
Phát biểu với các phóng viên trong chuyến thăm Trung Quốc ba ngày, Ngoại trưởng Fidan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã chờ đợi để gia nhập Liên minh châu Âu (EU), nhưng trong nhiều năm đã vấp phải sự phản đối của một số thành viên EU. Ngoại trưởng giải thích: Trong bối cảnh này, Ankara coi BRICS như một khối thay thế để hội nhập.
Ông Fidan nói: “Chúng tôi không thể bỏ qua thực tế rằng BRICS, với tư cách là một nền tảng hợp tác quan trọng, mang đến cho một số quốc gia khác một giải pháp thay thế tốt”. Ngoại trưởng đồng thời lưu ý, mặc dù nhóm vẫn còn “một chặng đường dài phía trước”, nhưng Ankara nhìn thấy “tiềm năng ở BRICS”.
Trong một sự kiện tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG) ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Fidan cho biết ông rất mong được tham dự cuộc họp của các ngoại trưởng BRICS, bao gồm các đại diện từ Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Iran, Ai Cập, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Sự kiện này dự kiến sẽ diễn ra trong tuần tới tại thành phố Nizhny Novgorod của Nga.
Nga hoan nghênh sự quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc gia nhập BRICS. Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov tuyên bố, tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong BRICS sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị Ngoại trưởng BRICS do Nga chủ trì trong tuần tới.
Tuy nhiên, ông Peskov lưu ý rằng BRICS có thể không thể đáp ứng đầy đủ lợi ích của tất cả các quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập. Mặc dù vậy, ông Peskov tuyên bố, “sự quan tâm tích cực như vậy” được hoan nghênh và nhóm sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để duy trì liên lạc với tất cả các quốc gia muốn trở thành thành viên BRICS.
Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng lưu ý rằng, cánh cửa BRICS luôn mở rộng cho đại diện của “các hệ thống kinh tế, chính trị và khu vực vĩ mô đa dạng nhất”.
Điều kiện duy nhất để gia nhập nhóm là cam kết làm việc trên cơ sở nguyên tắc then chốt về bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia - điều mà các đồng nghiệp phương Tây của Nga dường như đang phải vật lộn - ông Lavrov nhận xét.
Hơn 40 quốc gia đã bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập BRICS trong năm nay, trong đó có 7 nước đã nộp đơn đăng ký.
Với 5 quốc gia ban đầu là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, BRICS đã kết nạp thêm 5 thành viên mới từ ngày 1.1.2024 - gồm Iran, Saudi Arabia, Ai Cập, UAE và Ethiopia. GDP của BRICS hiện đã chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, với 46% dân số thế giới.
BRICS là khối duy nhất đang tìm cách thiết lập đồng tiền chung hoặc giao dịch bằng nội tệ để đẩy nhanh nỗ lực phi USD hóa.