Space đưa tin, tàu thăm dò Mặt trăng của Trung Quốc đã hoàn thành chuyến vận chuyển lịch sử mẫu đá Mặt trăng về Trái đất vào cuối năm ngoái, nhưng sứ mệnh vẫn đang tiếp tục với các thí nghiệm trong không gian sâu.
Ngày 24.11.2020, Trung Quốc đã phóng tàu thăm dò Hằng Nga 5 nhằm thu thập tài liệu để giúp các nhà khoa học tìm hiểu thêm về nguồn gốc của Mặt trăng.
Ngày 1.12.2020, Trung Quốc hạ cánh thành công tàu thăm dò Hằng Nga 5 lên Mặt trăng để thực hiện sứ mệnh lịch sử lấy các mẫu đá trên bề mặt Mặt trăng mang về Trái đất.
Ngày 13.12.2020, Hằng Nga 5 bắt đầu khởi hành trở về Trái đất mang theo mẫu đá mặt trăng để nghiên cứu sau hơn bốn thập kỷ gián đoạn.
Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết, tàu đã hạ cánh ở một khu vực thuộc khu tự trị Nội Mông, phía bắc Trung Quốc, vào lúc 1h59 sáng 17.12 (giờ Bắc Kinh), mang theo khoảng 2 kg mẫu đá từ Mặt trăng.
Sau khi mang mẫu đá Mặt trăng về Trái đất, module của tàu quỹ đạo đã kích hoạt động cơ để hướng đến điểm quỹ đạo Lagrange 1 của hệ Mặt trời - Trái đất, cách Trái đất khoảng 1,5 triệu km theo hướng của Mặt trời.
Từ quỹ đạo xung quanh khu vực cân bằng hấp dẫn này, tàu vũ trụ đã quay lại hình ảnh độc đáo của Trái đất và Mặt trăng cùng nhau.
Tàu Hằng Nga 5 đang thực hiện một loạt các thử nghiệm liên quan đến kiểm soát quỹ đạo và quan sát Trái đất và Mặt trời, giúp thông báo cho các sứ mệnh trong tương lai.
Các hoạt động hiện tại của Hằng Nga 5 là công việc bổ sung cho một sứ mệnh đã thành công rực rỡ, vì vậy các bộ hình ảnh của nó không được tối ưu hóa để quan sát chi tiết từ không gian sâu.
Trong khi đó, Đài quan sát Khí hậu Không gian sâu DSCOVR của NASA đã hoạt động trong cùng khu vực không gian này từ năm 2015, tận dụng tầm nhìn không bị cản trở của hành tinh chúng ta để nghiên cứu khí hậu Trái đất.
Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, Hằng Nga 5 có thể tiến tới các mục tiêu mới sau khi hoàn thành các thử nghiệm tại điểm Lagrange 1.