Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) ngày 19.5 cho biết, tảng băng đã vỡ khỏi sườn phía tây của dải băng Ronne ở biển Weddel của Nam Cực.
Tảng băng trôi có chiều dài khoảng 170km và rộng khoảng 25km. Theo CNN, tảng băng trôi khổng lồ có kích thước gấp gần 80 lần khu Manhattan, New York, Mỹ. Trong khi đó, ESA lưu ý, tảng băng trôi vừa tách khỏi Nam Cực có kích cỡ lớn hơn đảo Majorca của Tây Ban Nha.
Việc hình thành các tảng băng trôi là một phần của chu kỳ tự nhiên, với các khối băng khổng lồ tách ra khỏi các thềm băng theo khoảng thời gian đều đặn. Các nhà khoa học không cho rằng, tảng băng khổng lồ vừa tách ra này là tác động của biến đổi khí hậu mà tin đây là một phần của chu kỳ tự nhiên sản sinh ra băng trôi trong khu vực.
Khi tảng băng trôi khổng lồ tan chảy cũng không khiến mực nước biển dâng lên bởi tảng băng này là một phần của thềm băng nổi. Việc này giống như một viên đá tan ra không làm tăng lượng đồ uống trong ly nước, CNN cho hay.
Điều này khiến các tảng băng trôi khác với các sông băng hoặc dải băng, vốn thấy trên đất liền. Các sông băng hoặc dải băng trên đất liền khi vỡ ra đại dương và tan chảy sẽ làm tăng mực nước biển toàn cầu. Nếu toàn bộ dải băng của Nam Cực tan chảy có thể khiến mực nước biển dâng lên gần 58m.
Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cho hay, tảng băng trôi khổng lồ vừa tách ra khỏi Nam Cực được Keith Makinson - nhà hải dương học vùng cực của Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh - phát hiện lần đầu tiên vào tuần trước. Trung tâm Băng Quốc gia Mỹ đã xác nhận về tảng băng khổng lồ này bằng hình ảnh Copernicus Sentinel-1 của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu.
Khối băng khổng lồ vừa tách khỏi Nam Cực hiện có tên gọi chính thức là A-76. Tên của tảng băng trôi lớn nhất thế giới này được đặt dựa trên cơ sở khoa học. EAS cho biết, các tảng băng trôi theo truyền thống được đặt tên từ góc phần tư Nam Cực mà tảng băng này được nhìn thấy ban đầu cùng với một số thứ tự. Nếu tảng băng bị vỡ, tên của tảng băng sẽ được thêm một chữ cái tuần tự.