Bốn năm trước đây, toà án tối cao Mỹ cũng ở trong tình trạng tương tự. Khi ấy, phe đảng Cộng hoà kiểm soát Thượng viện và đã ngăn cản Tổng thống Barack Obama cử nhân sự thay thế cho một vị trí trống trong 9 thành viên của toà án này.
Phe Đảng Cộng hoà lập luận rằng, việc bố trí nhân sự cho toà án này trong năm có bầu cử tổng thống nên để cho tổng thống mới được bầu quyết định và cử tri khi quyết định bỏ phiếu bầu cho ứng cử viên tổng thống nào thì cũng cũng có nghĩa ủng hộ đề cử nhân sự của phe ấy cho toà án tối cao.
Bây giờ, chính phe đảng Cộng hoà lại rất vội vã và khẩn trương với việc đề cử và phê chuẩn nhân sự thay thế bà Ginsburg trong khi phe đảng Dân chủ và ứng cử viên tổng thống của phe này Joe Biden có quan điểm giống hệt như phía đảng Cộng hoà cách đây 4 năm. Chỉ như vậy không thôi đã đủ để thấy nhân tố mới này được cả hai phía coi trọng như thế nào trong cuộc vận động tranh cử tổng thống hiện tại của họ.
Trước đấy, để đón bắt cơ hội bố trí nhân sự mới cho toà này phục vụ cho cuộc vận động tranh cử, ở vào thời điểm bà Ginsburg trong tình trạng bệnh nặng, ông Donald Trump đã công bố danh sách 20 ứng cử viên được mình lựa chọn thay thế bà Ginsburg.
Ở Mỹ, toà án tối cao không chỉ là cơ quan tư pháp cao nhất mà còn là một cơ quan quyền lực có thể đưa ra những phán quyết chi phối tương lai chính trị cũng như pháp lý của nước Mỹ, mà thời hạn tác động của những quyết sách này không hề bị giới hạn trong thời hạn nhiệm kỳ cầm quyền của tổng thống đương nhiệm, bởi một khi đã được Thượng viện phê chuẩn thì thẩm phán toà này sẽ tại nhiệm suốt đời, trừ khi từ chức.
Trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên, ông Donald Trump đã đưa được 2 ứng cử viên của mình vào toà này, tạo nên tương quan 5 thành viên thuộc phe bảo thủ của Đảng Cộng hoà và 4 thành viên có quan điểm tự do, ôn hoà hơn.
Với chủ ý nhanh chóng đề cử và phê duyệt người thay thế bà Ginsburg trong toà án tối cao, ông Donald Trump và đảng Cộng hoà nhằm tranh thủ tối đa diện cử tri truyền thống của họ.
Cơ may càng mong manh và triển vọng càng mờ mịt đối với sự tái đắc cử của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay thì ông Donald Trump càng cần và càng phải chiều lòng diện cử tri này.
Ông Donald Trump cần họ đi bầu cử và bỏ phiếu cho mình, chứ không phải chỉ có biểu lộ sự đồng thuận quan điểm thuần tuý, đặc biệt ở những bang mà kết quả bầu cử thường suýt soát giữa hai phe.
Nhưng cái phản tác dụng của sách lược này là những cử tri lo ngại về việc toà án tối cao bị hoàn toàn kiểm soát bởi phe đảng Cộng hoà và trở thành công cụ phục vụ cho ông Donald Trump trong nhiệm kỳ cầm quyền tới, cũng như không muốn quan điểm của phe đảng Cộng hoà chi phối lâu dài tương lai chính trị và pháp lý của nước Mỹ sẽ ủng hộ ông Joe Biden và đảng Dân chủ.
Diện cử tri này cũng được khích lệ tương tự là phải dùng lá phiếu bầu của mình để ngăn chặn kịch bản nói trên và như thế có lợi cho ông Joe Biden và đảng Dân chủ. Vì thế, ông Joe Biden và phe đảng Dân chủ mới kiên quyết yêu cầu đợi đến sau khi nước Mỹ xác định được ai sẽ là tổng thống mới ở cuộc bầu cử tổng thống năm nay thì mới quyết định nhân sự thay thế bà Ginsburg.
Đối với cả hai bên, cái lợi đi cùng cái hại, cái phản tác dụng đi cùng với cái tác dụng trong chuyện này và hiện thật chưa thể thấy được nó lợi cho bên nào nhiều hơn. Nhưng tác động thuận của nó thì chẳng có bên nào muốn từ bỏ. Bốn năm trước đây, ở nước Mỹ xảy ra chuyện tương tự nhưng lại không có tác nhân này vì ông Barack Obama không phải như Tổng thống Donald Trump hiện tại.