Mặc định về "chàng trai Trương Giang"
Zhangjiang nan - những người đàn ông trẻ tuổi làm việc và sống ở Thành phố Khoa học Trương Giang - trung tâm công nghệ ở Thượng Hải, đang chứng minh họ đại diện cho nhóm người làm việc trong lĩnh vực công nghệ với nhiều sở thích, nhiều mối quan tâm thay vì những định kiến mặc định trước đó.
Ở phương Tây, thuật ngữ “tech geek” thường gợi tới một số hình ảnh nhất định. Đó có thể là áo cổ lọ màu đen và quần jean đã trở thành biểu tượng của cố giám đốc điều hành Apple Steve Jobs, hoặc chiếc áo hoodie đặc trưng của Mark Zuckerberg - nhà sáng lập Facebook. Khán giả có thể dễ dàng nhận ra những "tech geek" nhờ nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng như "Silicon Valley" của HBO, "The Big Bang Theory" của CBS.
Ở Trung Quốc, khái niệm tương đương rất có thể là những nam thanh niên sống và làm việc tại Thành phố Khoa học Trương Giang - trung tâm đổi mới đang phát triển mạnh được coi là phiên bản Thung lũng Silicon của Thượng Hải. Trương Giang rộng 220km2 ở quận Phố Đông của Thượng Hải.
Những nam thanh niên này được gọi là "Zhangjiang nan" - theo nghĩa đen là "chàng trai Trương Giang". Hình mẫu này đã thu hút nhiều sự chú ý trên các phương tiện truyền thông đại chúng Trung Quốc.
“Tôi biết đến Zhangjiang nan từ Internet ngay cả trước khi chuyển đến đây hai năm trước" - Liu Ge, 30 tuổi, làm marketing cho một công ty IT ở Trương Giang chia sẻ.
Lắng nghe người trong cuộc
Liu Ge giải thích: “Họ được cho là thường mặc áo sơ mi kẻ ô vuông, luôn mang theo máy tính, lúng túng trong các tình huống xã hội và thường xuyên phải làm việc thêm giờ".
Giám đốc sản phẩm Chen Jiehong, 29 tuổi, thừa nhận thường xuyên làm việc ngoài giờ. “Không có gì lạ khi tôi nghỉ lúc 20 hoặc 21h hàng ngày" - giám đốc người gốc Thượng Hải chuyển tới Trương Giang vào tháng 10 năm ngoái cho biết.
Tuy nhiên, Chen cũng không chỉ có công việc và là minh chứng cho những hình mẫu trên Internet có thể không còn tồn tại. Trên thực tế, Chen là người chơi đĩa ném cho một trong những câu lạc bộ đĩa ném hàng đầu Thượng Hải, thích bóng rổ và tự nhận mình là người hướng ngoại.
“Zhangjiang nan được cho là những người thích ở nhà và không thích thể thao. Khuôn mẫu khá là phóng đại. Tôi nghĩ rằng thuật ngữ Zhangjiang nan không xác định tất cả những người đàn ông ở đây - chúng tôi thực sự là nhóm rất đa dạng và có những đặc điểm khác nhau" - giám đốc 29 tuổi chia sẻ.
Andy Li đang điều hành công ty khởi nghiệp fintech của riêng mình đã chuyển từ Singapore đến Trương Giang vào năm ngoái trong bối cảnh dịch COVID-19. Thoạt nhìn, Li dường như đúng theo hình mẫu của Zhangjiang nan, đặc biệt là với tủ quần áo hàng ngày gồm những chiếc áo phông Uniqlo cùng kiểu với nhiều màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, khác với vẻ bề ngoài, Zhangjiang nan này không hề lúng túng trong giao tiếp xã hội. Li tự gọi mình là "anh chàng khá thích xã giao", thích ăn tối ở ngoài cũng như nấu ăn ở nhà. Anh thậm chí còn là người giới thiệu các địa điểm ăn uống cho bạn bè.
Li, 38 tuổi, sinh ra ở Thiên Tân, một thành phố ở phía đông bắc Trung Quốc và cũng sống ở Malaysia và Thái Lan trước khi trở về nước. Li nhận định, Trương Giang nhộn nhịp và đầy cảm hứng. “Mọi người ở đây thực sự làm việc chăm chỉ, điều đó thúc đẩy tôi tiếp tục tiến lên" - anh nói.
Đó dường như là lý do Li không thấy cách gọi Zhangjiang nan khó chịu. “Ngày nay, thuật ngữ này có một hình ảnh tích cực, đề cập đến những người đàn ông ở đây, những người luôn có động lực và tận tâm, không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống cá nhân của họ. Nó chỉ tinh thần đam mê và sáng tạo, vì thế tôi thấy ổn khi mọi người gọi mình như vậy" - Li nói.
Liu Ge đã tổ chức một nền tảng xã hội để mọi người ở Trương Giang gặp gỡ, giao tiếp và có thể hẹn hò. Cô cũng nhất trí rằng có một cái nhìn mới về Zhangjiang nan, rằng họ là những người chăm chỉ, hết lòng vì gia đình. “Họ cũng đại diện cho những phẩm chất tuyệt vời - tập trung, logic và quan tâm. Chúng ta nên nhìn nhận chúng một cách tổng thể, thay vì gán nhãn họ" - cô nói.