Science Times ngày 23.8 đưa tin, một nhóm nhà nghiên cứu do giáo sư Yoshizumi Miyoshi từ Đại học Nagoya, Nhật Bản dẫn đầu đã quan sát, phân tích và giải thích ý nghĩa của sự suy giảm ozone ở tầng trung lưu đối với Trái đất.
Nhóm nghiên cứu đã tập trung quan sát cực quang trong cơn bão địa từ (bão Mặt trời) ôn hòa trên bán đảo Scandinavia vào năm 2017 và nhận thấy rằng sự kết tủa các electron gây ra cực quang có thể đã làm suy giảm ozone ở tầng trung lưu. Các electron kết tủa có khả năng mang đủ năng lượng để xuyên qua tầng trung lưu và ngay lập tức làm suy giảm hơn 10% ozone tầng trung lưu.
Giáo sư Miyoshi cho hay: "Cực quang xảy ra gần như hàng ngày, lan rộng trên các khu vực rộng lớn và kéo dài hàng giờ. Do đó, sự suy giảm ozone từ những sự kiện này có thể rất đáng kể".
Sự suy giảm ozone ở tầng trung lưu có nghĩa là có quá ít ozone trong tầng trung lưu để hấp thụ tia cực tím. Do đó, tia cực tím dễ dàng xuyên qua bầu khí quyển và làm tăng nhiệt độ Trái đất cũng chính là thúc đẩy quá trình biến đổi khí hậu.
Liên minh Châu Âu cảnh báo rằng tia cực tím có thể gây ra tỉ lệ ung thư da, đục thủy tinh thể mắt, tổn thương hệ thống miễn dịch và di truyền cao hơn. Hơn nữa, bức xạ UV cũng ảnh hưởng đến các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, có thể thay đổi sự phát triển của động thực vật, chuỗi thức ăn, cũng như các chu trình sinh địa hóa. Nhìn chung, cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi mạnh mẽ nếu tình trạng suy giảm ozone tiếp tục diễn ra.