Khác biệt về trọng tâm
Ở thời dịch bệnh vẫn hoành hành rất dữ dội ở nhiều nước thành viên EU và Trung Quốc, Châu Âu lại còn bị đắm chìm trong tác động tiêu cực của chiến sự ở Ukraina giữa Nga và Ukraina, sự kiện lớn này của mối quan hệ song phương giữa EU và Trung Quốc lẽ ra phải đưa lại bước phát triển mang tính đột phá mới cho mối quan hệ song phương này. Vậy mà đâu vẫn đấy sau cuộc gặp.
Nguyên do ở bất đồng quan điểm về nội dung trọng tâm trên chương trình nghị sự của cuộc gặp. Trung Quốc muốn tập trung vào giải quyết những vấn đề khúc mắc dai dẳng lâu nay giữa hai bên để quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế và thương mại có thể phát triển mạnh mẽ. Còn EU lại chỉ muốn thuyết phục và vận động Trung Quốc đứng về phía EU, NATO, Mỹ và đồng minh trong chuyện đang diễn ra ở Ukraina, cụ thể là Trung Quốc hùa theo họ lên án Nga và tham gia tiến hành những biện pháp chính sách trừng phạt Nga về chính trị, kinh tế, tài chính và thương mại. Điều khiến cho phe này rất lo ngại là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga hiện tốt đẹp và gắn kết keo sơn ở mức độ chưa từng thấy trong lịch sử, Trung Quốc lại không những chỉ có khả năng trên thực tế giúp Nga vô hiệu hoá những biện pháp chính sách của EU, NATO, Mỹ và đồng minh áp dụng trừng phạt Nga về chính trị, kinh tế, tài chính và thương mại mà nếu muốn còn có thể hậu thuẫn Nga về quân sự.
Trong thời gian qua, phía các nước thuộc khối Phương Tây đâu có thân thiện gì với Trung Quốc và giữa phe này với Trung Quốc cũng có cuộc đối đầu không khoan nhượng về ý thức hệ như giữa họ với Nga. EU muốn Trung Quốc ở lần gặp cấp cao trực tuyến này phải thể hiện rõ quan điểm thái độ đứng về phe nào trong cuộc chiến hiện tại ở Ukraina. Những ngôn từ và cách thức được phía EU sử dụng ở cuộc gặp cấp cao này cho thấy hiện tại EU coi trọng việc buộc Trung Quốc phải thể hiện quan điểm rõ ràng nghiêng hẳn về phe nào còn hơn cả việc tìm cách tháo gỡ bế tắc lâu nay để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Không biết trên thực tế có phải phía EU đã ảo tưởng hay ngộ nhận hay không mà thiên hạ có cảm nhận EU hiện đang cho rằng Trung Quốc cần EU hơn là ngược lại.
2 dự liệu về triển vọng tương lai
Trung Quốc không sa vào tranh luận với EU nhưng đã không để cho EU toại nguyện. Trung Quốc chỉ muốn thể hiện là đối tác kinh tế và thương mại của EU chứ hoàn toàn không có ý định trở thành đồng minh của EU trong chuyện chiến sự hiện tại ở Ukraina. Cùng với quả quyết không hề có ý định giúp Nga vô hiệu hoá những biện pháp chính sách được phía Phương Tây áp dụng để trừng phạt Nga, Trung Quốc kiên định quan điểm không lên án Nga và nhìn nhận cuộc khủng hoảng chính trị an ninh hiện tại ở Châu Âu có nguồn gốc trong mối đe doạ về an ninh đối với Nga từ việc NATO mở rộng về phía đông và Châu Âu phải tự giải quyết chuyện Ukraina. Trung Quốc đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt với Nga.
Từ kết cục của cuộc gặp cấp cao trực tuyến năm nay giữa EU và Trung Quốc có thể dự liệu được hai điều về triển vọng tương lai của mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc. Thứ nhất, mối quan hệ này chưa thể phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới vì mọi vướng mắc chưa được khắc phục và vì EU không quan tâm hàng đầu tới việc khắc phục chúng. Thứ hai, EU trong thực chất đã biến mối quan hệ với Trung Quốc thành con tin của cuộc đối địch của khối các nước phương Tây với Nga, sử dụng cách tiếp cận Trung Quốc hoàn toàn phản tác dụng đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Sự kiện lớn này vì thế đã không thể thành công đối với cả hai bên.