Mỹ
RT đưa tin, cảnh báo sóng thần đã được ban hành cho khu vực Bờ Tây nước Mỹ, Alaska và Hawaii vào ngày 15.1 sau khi một ngọn núi lửa phun trào ở Nam Thái Bình Dương gần đảo Tonga.
"Một trận sóng thần đang xảy ra" - Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ thông báo, ngay sau khi sóng thần ập vào Tonga.
Giới chức tiểu bang California cho biết, sóng thần ở Mỹ dự kiến sẽ không cao quá 0,6m nhưng vẫn yêu cầu người dân sinh sống gần các khu vực ven biển di chuyển đến vùng đất cao hơn. Họ đồng thời cảnh báo, nước dâng cũng có khả năng nguy hiểm không kém sóng thần.
Mặc dù không có thiệt hại lớn nào ở Mỹ, giống như hậu quả thường thấy của sóng thần, nhưng nước này đã chứng kiến lũ lụt ở Santa Cruz và Sacramento, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bên bờ biển.
Tại nhiều tiểu bang khác nhau, trong đó có Oregon, nước thủy triều dâng cao.
Trong khi ở Hawaii, những con sóng lớn đã đẩy tàu thuyền dạt vào các khu vực neo đậu, nhưng không có thiệt hại đáng kể nào được báo cáo ngoài lo ngại về tình trạng lũ lụt.
Nhật Bản
Cảnh báo sóng thần đã được ban hành cho toàn bộ bờ biển phía đông của Nhật Bản, cũng như phía nam đảo Amami và chuỗi đảo Takara.
Người dân nước này đã nhận được cảnh báo sơ tán khỏi các khu vực ven biển và ven sông và tìm kiếm vùng đất cao hơn vào sớm ngày 16.1 vì dự kiến các con sóng có thể cao tới 3m.
Truyền thông địa phương đưa tin, sớm ngày 16.1, sóng thần đã tràn đến bờ biển Tohoku và Okinawa.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, mặc dù các đảo Amami and Tokari có khả năng hứng chịu đợt sóng thần cao tới 3m nhưng sóng biển tại các khu vực khác dự kiến sẽ chỉ cao chưa tới 1m.
Một bản đồ của cơ quan này cho thấy, toàn bộ bờ biển phía đông Nhật Bản được đánh dấu bằng cảnh báo sóng thần màu vàng trong khi chuỗi đảo ở phía nam có cảnh báo màu đỏ. Cảnh báo sóng thần sau đó được mở rộng ra tỉnh Iwate ở miền bắc, trong khi cảnh báo ở Amami và Tokara vẫn giữ nguyên hiệu lực.

Nhật Bản đã từng trải qua những đợt sóng thần lớn trước đây, bao gồm trận động đất và sóng thần mạnh 9 độ Richter vào năm 2011 dẫn đến sự cố nhà máy hạt nhân Fukushima, khiến gần 20.000 người chết và 2.500 người mất tích.
Fiji
Quốc đảo Fiji đã ban hành cảnh báo sóng thần, kêu gọi người dân tránh xa các đường bờ biển "do dòng chảy mạnh và sóng dữ nguy hiểm".
Theo các quan chức ở thành phố Suva, thủ đô của Fiji, núi lửa phun trào dữ dội đến mức họ đã nghe thấy những tiếng ồn vang như sấm từ khoảng cách xa 800km. Sóng lớn sau đó đã tấn công bờ biển Suva.
Jese Tuisinu - một phóng viên truyền hình tại Fiji One - đã đăng tải một đoạn video trên Twitter cho thấy, những con sóng lớn tấn công dữ dội ở bờ biển trong khi người dân đang cố gắng trốn chạy bằng ôtô.
“Các khu vực ở Tonga đang thực sự đen tối theo đúng nghĩa đen, mọi người đang gấp rút chạy trốn đến nơi an toàn sau vụ phun trào núi lửa” - Jese Tuisinu viết trên Twitter.
Núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai cách đảo Fonuafo'ou của Tonga khoảng 30km về phía đông nam. Theo đài RNZ, núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai lần đầu phun trào ngày 14.1, đẩy đám tro bụi lên cao bao trùm khu vực tới 20km. Vụ phun trào thứ hai xảy ra ngày 15.1, vào khoảng 17h30, giờ địa phương.