Slovakia và Hungary - các thành viên EU ở Đông Âu - đã bị ảnh hưởng khi dòng dầu của Nga từ tập đoàn Lukoil đi qua đường ống dẫn đầu Ukraina bị chặn lại do Kiev áp đặt lệnh trừng phạt với công ty này.
Việc Ukraina khóa van đường ống dẫn dầu với dầu từ Lukoil gây sức ép cho các nhà máy lọc dầu ở Hungary và Slovakia do tập đoàn dầu khí MOL của Hungary sở hữu.
Theo Reuters, tranh chấp cho thấy một số nước EU vẫn phụ thuộc vào năng lượng của Nga hơn 2 năm sau khi khối quyết định ngừng nhập khẩu dầu của Nga sau xung đột ở Ukraina.
Chính quyền ở Bratislava và Budapest đã phản đối việc Ukraina dừng nguồn cung dầu từ Lukoil và đang tìm kiếm sự hòa giải của EU trong tranh chấp này.
Văn phòng chính phủ Slovakia cho biết, Thủ tướng Robert Fico đã trao đổi với người đồng cấp Ukraina Denys Shmyhal vào 26.7.
"Thủ tướng Fico đã đề xuất với các đối tác Ukraina một giải pháp kỹ thuật mà một số quốc gia, trong đó có Slovakia, sẽ phải tham gia" - văn phòng Thủ tướng Slovakia thông tin nhưng không nêu chi tiết về giải pháp được đề xuất.
Văn phòng chính phủ Slovakia lưu ý, nguồn cung thay thế đắt hơn và có thể không phù hợp về mặt công nghệ đối với nhà máy lọc dầu Slovnaft của Slovakia.
Các cuộc đàm phán chuyên sâu sẽ diễn ra ở cấp cao nhất trong những giờ và ngày tới, theo văn phòng của Thủ tướng Robert Fico.
Việc giao dầu của Nga qua đường ống dẫn dầu của Ukraina không bị gián đoạn với các nhà cung cấp khác từ Nga.
Theo Bloomberg, Hungary và Slovakia lần lượt nhận được 1/3 và hơn 40% nguồn dầu nhập khẩu trong nước từ Lukoil. Trong tranh chấp Lukoil, Hungary và Slovakia muốn Ủy ban châu Âu sử dụng thỏa thuận liên kết với Ukraina. Dựa theo thỏa thuận này, Kiev không thể ngăn chặn việc trung chuyển dầu của Nga.
Ngày 25.7, Slovakia kêu gọi Ủy ban châu Âu không trì hoãn hành động. Các quan chức Hungary cũng thúc giục EU hành động vào 26.7.
"Nếu tình hình không được giải quyết, sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nhiên liệu. Cần phải tìm ra giải pháp vào tháng 9" - ông Gergely Gulyas - chánh văn phòng của Thủ tướng Hungary Viktor Orban - cho biết.
Ông Gulyas chia sẻ, Budapest cũng đang tìm kiếm giải pháp. "Một là người Ukraina thừa nhận không thể làm như vậy với hai quốc gia EU. Hai là Ủy ban châu Âu giúp chúng tôi và thứ ba là chúng tôi tìm ra một lỗ hổng pháp lý cho phép dầu được chuyển giao bởi một bên không thuộc diện bị trừng phạt" - ông nói..
Tamas Pletser - nhà phân tích dầu khí tại Ngân hàng Erste Group ở Budapest - nhận định, tình trạng thiếu hụt nhiên liệu lớn sẽ không xảy ra sau mùa hè. Tuy nhiên, đối với MOL, nguồn cung cấp của Lukoil "không phải là không thể thay thế nhưng vẫn rất đau đớn khi mất đi".
EU áp đặt lệnh trừng phạt với dầu của Nga vào năm 2022 nhưng Slovakia, Hungary và Cộng hòa Czech được miễn trừ do phụ thuộc vào dầu của Nga. Các nhà máy lọc dầu của Czech thuộc sở hữu của công ty Orlen của Ba Lan không do Lukoil cung cấp dầu nên không bị ảnh hưởng trực tiếp trong tranh chấp mới nhất liên quan tới đường ống dẫn dầu đi qua Ukraina.