Người Serbia sẽ không phải tiết kiệm năng lượng và giảm tiêu thụ trong mùa đông này nhờ các chính sách của Belgrade và việc nhập khẩu khí đốt từ Nga, Tổng thống Aleksandar Vucic nói với người dân nước này trong bài phát biểu ngày 27.8.
“Không có kế hoạch hạn chế điện vào mùa đông tới" - ông nói đồng thời nhấn mạnh thêm rằng tình hình trong lĩnh vực năng lượng vẫn "cực kỳ khó khăn". Nội các Serbia dự kiến cung cấp mức giảm giá lớn cho những người năm nay tiết kiệm điện hơn so với năm trước.
Những biện pháp như vậy trở nên đặc biệt khả thi do nhập khẩu khí đốt từ Nga, nhà lãnh đạo Serbia tin tưởng. Serbia mua từ Nga 2 triệu mét khối khí đốt - tương đương khoảng 63% đến 64% tổng lượng khí đốt mà nước này cần. Tổng chi phí mua khí đốt lên tới 800 triệu euro (797 triệu USD), ông Vucic thông tin và gọi một mức giá như vậy là “tuyệt vời”.
Tổng thống Serbia cho rằng, nếu Belgrade phải mua khí đốt theo giá thị trường Châu Âu hiện tại, nước này sẽ phá sản. Ông lập luận, nếu mua 1,2 triệu mét khối khí đốt còn lại - tương đương khoảng 36% tổng lượng tiêu thụ vào thời điểm hiện tại, Serbia sẽ tiêu tốn 4,8 tỉ euro (4,7 tỉ USD). “Và toàn bộ ngân sách của chúng ta là khoảng 13 tỉ euro (12,9 tỉ USD)" - tổng thống nói.
Ông Vucic cũng ca ngợi thỏa thuận mà Belgrade đạt được với Budapest trong đó Hungary tích trữ trong kho khí đốt của nước này từ 300 đến 500 mét khối khí đốt do Serbia mua. Bình luận của Tổng thống Serbia được đưa ra khi giá khí đốt Châu Âu tiếp tục tăng cao. Theo dữ liệu trên sàn giao dịch London ICE, giá khí đốt cho tháng 9 tại trung tâm TTF ở Hà Lan đã tăng lên gần 3.500 USD/nghìn mét khối vào ngày 26.8.
EU hiện nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, đặc biệt là do khối quyết định loại bỏ nguồn cung cấp khí đốt Nga trong bối cảnh xung đột ở Ukraina. EU kêu gọi tất cả các nước thành viên giảm tiêu thụ khí đốt 15% để giảm bớt gánh nặng do giá khí đốt tăng cao.
Vào giữa tháng 6, Tổng thống Vucic thông báo đã đồng ý một mức giá có lợi cho nhập khẩu khí đốt Nga theo các điều khoản của thỏa thuận năng lượng mới với Mátxcơva. Vào thời điểm đó, Serbia dự kiến mua khí đốt Nga với giá từ 360 USD đến 410 USD/1.000 mét khối.
Theo Tổng thống Serbia, nước này vẫn phải chịu những thiệt hại đáng kể do các lệnh trừng phạt của EU với Nga, đặc biệt là về dầu mỏ. Dù Serbia không phải là một phần của Liên minh Châu Âu nhưng nguồn cung năng lượng quá cảnh qua nước này tới các nước EU. Điều này có nghĩa là bất kỳ lệnh trừng phạt nào của EU với Nga cũng ảnh hưởng tới Serbia.