Tờ Metro đưa tin, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuyên bố tất cả các trường học ở quốc gia này đóng cửa trong 2 tuần để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Trong một cuộc họp báo vào tối ngày 11.3 (theo giờ Đan Mạch), Thủ tướng cho biết các công chức sẽ được làm việc tại nhà và nhận lương như bình thường, trong khi đó người lao động ở các công ty tư nhân được khuyến khích làm việc tại nhà càng nhiều càng tốt.
Theo Tân Hoa Xã, các bệnh viện, viện dưỡng lão và các cơ sở y tế ở Đan Mạch sẽ phải đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt đối với các cuộc thăm hỏi gia đình.
Các sự kiện lớn hơn 100 người sẽ bị cấm như một phần của biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tuy chưa có trường hợp tử vong này được xác nhận, nhưng số ca nhiễm virus ở quốc gia này đang gia tăng mạnh.
"Điều này sẽ để lại hậu quả rất lớn. Tuy nhiên, Đan Mạch đã chuẩn bị nhiều giải pháp sẵn sàng trong tình huống này", tờ Metro dẫn lời Thủ tướng.
Quyết định này được đưa ra sau khi Cơ quan An toàn bệnh nhân Đan Mạch báo cáo có thêm 442 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới vào ngày 11.3, đưa tổng số ca nhiễm lên 516 tính đến 15h ngày 12.3.
Giám đốc Soren Brostrom chia sẻ, ông dự kiến số ca mắc sẽ còn tăng nhanh hơn nữa trong những ngày tới, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới chính thức tuyên bố đây là đại dịch vào tối ngày 11.3.
"SARS-CoV-2 không chỉ là mối đe dọa cho riêng Đan Mạch mà còn cho cả thế giới. Đó là lý do tại sao WHO tuyên bố COVID-19 là một đại dịch. Các nhà chức trách đã đồng ý chi khoảng 20 tỉ USD tiền thuế để giúp các công ty đối phó với virus. Chúng ta cần hạn chế các hoạt động xã hội càng nhiều càng tốt", ông Soren Brostrom nhấn mạnh.
Đan Mạch là quốc gia thứ 2 ở Châu Âu, sau Italia, áp dụng các biện pháp phong tỏa chặt chẽ.
Vào ngày 11.3, Chính phủ Italia cũng đã nâng một mức mới đối với việc phong tỏa, chỉ có tiệm thuốc và cửa hàng thực phẩm được phép hoạt động.
Các trường học, bảo tàng và rạp chiếu phim trên toàn quốc đã ngừng hoạt động. Các sự kiện như đám cưới, đám tang, các sự kiện tôn giáo hoặc giải bóng đá Italia cũng phải hủy bỏ.