Tờ Independent đưa tin, các nhà khảo cổ Ai Cập tình cờ phát hiện ra thứ mà họ mô tả là một “vật dị thường” lớn được chôn gần khu vực quần thể kim tự tháp Giza ở Ai Cập.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các công cụ mới như radar xuyên đất để kiểm tra khu vực nghĩa trang phía tây ở Giza để xem liệu có thứ gì chôn dưới đó chưa được khám phá hay không.
Họ phát hiện ra một cặp cấu trúc ngầm - một nông, một sâu - bên dưới một nghĩa địa hoàng gia gần Đại kim tự tháp Giza 4.500 năm tuổi.
Các nhà khảo cổ mô tả các cấu trúc này là bất thường vì mật độ của chúng khác với mật độ của mặt đất xung quanh.
Họ tin rằng các cấu trúc này là do con người tạo ra và nghi ngờ rằng chúng đã được lấp lại sau khi xây dựng.
Các nhà khảo cổ học viết: “Nghĩa trang phía tây ở Giza được biết đến như một nơi chôn cất quan trọng các thành viên hoàng gia và các quan chức cấp cao. Cuộc khảo sát ban đầu bằng radar xuyên đất đã tiết lộ sự bất thường ở phía bắc của địa điểm khảo sát”.
Khu vực của vùng dị thường có thể được xác định sơ bộ, nhưng cấu trúc và vị trí vẫn chưa rõ ràng.
Cấu trúc nông có kích thước rộng 10 mét, dài 15 mét và sâu 2 mét.
Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng, cấu trúc này được sử dụng để hỗ trợ việc xây dựng cấu trúc lớn hơn, sâu hơn, khoảng 5 mét ở điểm nông nhất và 10 mét ở điểm sâu nhất.
Các nhà nghiên cứu cho biết sự bất thường như vậy có thể là do hỗn hợp cát và sỏi hoặc do khoảng cách thưa thớt giữa các khoảng trống không khí.
“Nó có thể là lối vào cấu trúc sâu hơn” - các nhà nghiên cứu nói.
“Từ kết quả khảo sát, chúng tôi không thể xác định vật liệu gây ra dị thường, nhưng nó có thể là một cấu trúc khảo cổ lớn dưới lòng đất” - các nhà nghiên cứu lưu ý.
Các nhà nghiên cứu hy vọng việc khai quật cẩn thận di chỉ khảo cổ có thể giúp xác định bản chất của các cấu trúc này.