Không giống như phương tiện điện tử hiện đại, mạng xã hội cổ xưa là một mạng lưới liên kết xã hội sử dụng một phương tiện truyền thống hơn nhiều. Việc kết nối dựa trên việc chia sẻ và buôn bán các chuỗi hạt làm từ vỏ trứng đà điểu - một trong những hình thức trang sức cá nhân lâu đời nhất của nhân loại.
Theo kết quả được công bố trên tạp chí Nature, các nhà khoa học ở Đức đã nghiên cứu hơn 1.500 chuỗi hạt trong số này, thu thập từ hơn 30 địa điểm trên khắp miền nam và đông Châu Phi. Chúng được cho là do những người săn bắt hái lượm ở vùng đất là Châu Phi ngày nay tạo ra và đeo trên người. Kết quả cho thấy, những người làm ra chuỗi hạt đã trao đổi chúng trên quy mô khu vực rộng lớn gần 3.000km, nhằm chia sẻ những thông điệp mang tính biểu tượng và tăng cường liên minh.
Các nhóm và cộng đồng dân cư thời xa xưa bị ngăn cách bởi khoảng cách địa lý, điều này càng cho thấy sự tồn tại của một mạng xã hội đường dài trải dài hàng nghìn kilomet, kết nối mọi người ở những vùng xa xôi lại với nhau. Đồng tác giả nghiên cứu, Yiming Wang, tại Viện Khoa học Lịch sử Nhân loại Max Planck của Đức, cho biết: “Kết quả thật đáng ngạc nhiên, nhưng mô hình là rõ ràng".
Hạt làm từ vỏ trứng đà điểu là một số hình thức tự trang trí lâu đời nhất được tìm thấy trong hồ sơ khảo cổ học, mặc dù chúng không phải là loại hạt đầu tiên được người Homo sapiens áp dụng. Các nhà khoa học tin rằng đàn ông và phụ nữ bắt đầu trang trí cơ thể bằng màu son đỏ khoảng 200.000 năm trước, trước khi bắt đầu đeo chuỗi hạt cách đây 75.000 năm.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp trang trí đã thực sự phát triển cách đây khoảng 50.000 năm ở Châu Phi, với việc sản xuất những hạt vỏ trứng đà điểu đầu tiên - dạng đồ trang sức tiêu chuẩn hóa sớm nhất được biết đến trong ngành khảo cổ học. Đây là điểm sáng đầu tiên trên thế giới và việc sử dụng nó thể hiện một trong những truyền thống văn hóa lâu đời nhất của nhân loại, liên quan đến việc thể hiện bản sắc và các mối quan hệ. Tác giả chính Jennifer Miller nói: “Những hạt nhỏ này có sức mạnh tiết lộ những câu chuyện to lớn về quá khứ của chúng ta”.
Điểm cốt yếu về đồ trang sức bằng vỏ trứng đà điểu là thay vì dựa vào kích thước hoặc hình dạng tự nhiên của một món đồ, con người bắt đầu tạo hình trực tiếp cho vỏ và tạo ra vô số phong cách thể hiện. Các mô hình kết quả đã vạch ra cho các nhà nghiên cứu một lộ trình mà qua đó họ có thể theo dõi các mối liên hệ văn hóa, mặc dù không rõ liệu các hạt vỏ trứng đà điểu mà Miller và Wang nghiên cứu có được trao đổi giữa các nhóm hay không và kiến thức về cách thức sản xuất chúng có được trao đổi.
Tuy nhiên, mạng xã hội đầu tiên trên thế giới không tồn tại lâu. Khoảng 33.000 năm trước, kiểu đeo chuỗi hạt đột ngột thay đổi: Chúng biến mất khỏi miền nam Châu Phi trong khi vẫn tiếp tục ở phía đông lục địa. Miller và Wang cho rằng những thay đổi khí hậu đứng sau việc này, dẫn đến sự kết thúc của mạng xã hội lâu đời nhất hành tinh dù đã tồn tại suốt 17.000 năm.