Ảnh hưởng từ những tiểu hành tinh cổ đại lên trái đất vẫn còn hiển hiện rõ ràng ở hố va chạm (impact crater) trên khắp hành tinh. Và từ sự kiện Chelyabinsk vào năm 2013 - khi một tiểu hành tinh phát nổ trên không trung phía trên một thị trấn của Nga và trở thành một quả cầu lửa với vận tốc 54.000km/h, gấp 44 lần vận tốc âm thanh - chúng ta biết rằng vụ nổ có thể tàn phá như thế nào.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu ở Nam Cực đã phát hiện ra bằng chứng về một sự kiện kỳ lạ, kiểu như kết hợp giữa một vụ va chạm và một vụ nổ trên không. Theo trang Universe Today, sự kiện này rất tàn khốc, những ảnh hưởng của nó vẫn còn rõ ràng mặc dù đã diễn ra cách đây 430.000 năm.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những quả cầu nhỏ màu đen ở Dãy núi Sør Rondane ở Đông Nam Cực, cho thấy hiện tượng "chạm xuống trái đất" bất thường, hình thành từ sự va chạm với vận tốc cực cao của các thiên thể nhỏ vào bề mặt của các thiên thể lớn hơn. Tác động này là kết quả của sự xâm nhập khí quyển và vụ nổ trên không của một tiểu hành tinh có chiều rộng từ 100 đến 150 mét.
Nghiên cứu do nhà khoa học hành tinh Matthias van Ginneken, Đại học Kent ở Anh dẫn đầu đã mô tả sự kiện này lớn hơn một vụ nổ trên không, nhưng nhỏ hơn một sự kiện hố va chạm. Trong khi mật độ của vật chất bốc hơi quá thấp để tạo thành một hố va chạm, các quả cầu nhỏ từ đá lửa lại báo hiệu một sự kiện có nhiệt lượng cao.
Bài báo của nhóm - được xuất bản trên Science Advances - chỉ ra rằng sự bốc hơi của tiểu hành tinh trong quá trình đi vào khí quyển sẽ tạo ra một đám mây khí siêu nóng mà từ đó các quả cầu ngoài hành tinh sẽ lao xuống mặt đất với tốc độ cao, có thể vài kilomet/giây.
Trong sự kiện thiên thạch Chelyabinsk ở Nga, vật thể phát nổ ở độ cao khoảng 15 đến 25 km so với mặt đất. Theo ước tính của NASA, thiên thạch có đường kính 17 m, nặng xấp xỉ 7.700 đến 10.000 tấn và giải phóng nguồn năng lượng tương đương 500 kiloton thuốc nổ TNT, mạnh gấp 20-30 lần so với vụ nổ hai quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki.
Thiên thạch vỡ ra làm 7 và một trong số đó rơi xuống hồ Chebarkul đang đóng băng, tạo thành lỗ có đường kính 6 m.
Sóng xung kích từ thiên thạch trên bầu trời Chelyabinsk, miền trung nước Nga, khiến gần 1.500 người bị thương do mảng kính vỡ. Các mảnh thiên thạch bốc cháy gây chấn động ở Chelyabinsk và một số thành phố khác trong vùng. Ít nhất 6 thành phố bị thiệt hại ở miền trung nước Nga.
Thiên thạch Chelyabinsk là vật thể lớn nhất được biết đã chạm vào trái đất kể từ khi sự kiện Tunguska năm 1908.
Những phát hiện mới ở Nam Cực cho thấy tác động nguy hiểm hơn nhiều so với cả sự kiện Tunguska và Chelyabinsk. Các nhà nghiên cứu cho biết, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá lại mối đe dọa của các tiểu hành tinh cỡ trung bình, vì có khả năng các sự kiện chạm xuống tương tự sẽ có khả năng phá hủy trên một diện rộng. Giữa khí nóng và luồng vật liệu nóng ập xuống mặt đất, một sự kiện như vậy có thể tạo ra một cảnh địa ngục.
Van Ginneken nói: “Mặc dù các sự kiện chạm xuống mặt đất có thể không đe dọa đến hoạt động của con người nếu xảy ra trên Nam Cực, nhưng nếu nó diễn ra trên một khu vực đông dân cư sẽ dẫn đến hàng triệu người thương vong và thiệt hại nghiêm trọng ở khoảng cách lên đến hàng trăm kilomet”.
Nhóm của Van Ginneken khuyến nghị rằng, các nghiên cứu trong tương lai nên tập trung vào việc xác định các sự kiện tương tự ở các mục tiêu khác nhau trên hành tinh - chẳng hạn như đáy đại dương nông - vì nó sẽ cho biết tần suất những sự kiện như thế này có thể xảy ra trong quá khứ.