Tác động của Olympic Paris 2024
Báo cáo được công bố bởi Trung tâm luật và kinh tế thể thao (CDES) thuộc Đại học Limoges, một viện nghiên cứu tại Pháp chuyên về các khía cạnh kinh tế và pháp lý của thể thao.
Trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2034, tác động ròng của Olympic Paris 2024 đến từ nguồn lực kinh tế được bơm vào vùng Île de France (vùng thủ đô của nước Pháp, bao gồm 8 tỉnh: Essonne, Hauts-de-Seine, Paris, Seine-Saint-Denis, Seine-et-Marne, Val-de-Marne, Val-d'Oise, Yvelines) sẽ không thể xảy ra nếu không có Thế vận hội.
Tác động dự kiến sẽ xoay quanh du lịch, xây dựng và tổ chức Olympic 2024, chiếm lần lượt 30, 28 và 42% tác động kinh tế ròng.
Olympic Paris sẽ có 2,3 đến 3,1 triệu du khách đến Paris, trong thời gian diễn ra sự kiện, trong đó 64% là người Pháp. Theo Văn phòng Du lịch Paris, ước tính du khách đến Paris trong thời gian diễn ra Thế vận hội sẽ chi 2,6 tỉ Euro, bao gồm việc mua vé xem các sự kiện cũng như các khoản chi tiêu khác.
Phần lớn trong số 7 tỉ Euro tiền tài trợ tư nhân cho Thế vận hội Paris 2024 đến từ bản quyền truyền thông, tài trợ và bán vé, nhưng cũng có khoản đầu tư khác vào các dự án cơ sở hạ tầng dài hạn, bao gồm khoản đóng góp 1,7 tỉ USD của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) bằng tiền mặt và dịch vụ khác.
Nguồn tài trợ công lên tới 3 tỉ Euro, và chủ yếu bao gồm các dự án giải quyết nhu cầu dài hạn của cộng đồng địa phương. Ước tính với mỗi Euro chi tiêu công sẽ có tác động kinh tế ở mức 3 Euro.
80% đầu tư công sẽ dành cho Seine-St-Denis, một trong những tỉnh trẻ nhất và khó khăn nhất ở Pháp. Ví dụ, Làng Olympic, tọa lạc tại Seine-Saint-Denis, sẽ cung cấp 2.800 nhà ở, bên cạnh 2 trường học mới, mang lại lợi ích trực tiếp cho 6.000 cư dân.
Lấy cảm hứng từ Chương trình nghị sự Olympic 2020 của IOC
Theo lộ trình chiến lược của IOC, Chương trình nghị sự Olympic 2020, ban tổ chức Paris 2024 đã lên kế hoạch tổ chức Thế vận hội có trách nhiệm về mặt xã hội, môi trường và kinh tế, mang lại lợi ích cho người dân địa phương trước Lễ khai mạc.
“Là Thế vận hội đầu tiên tổ chức theo Chương trình nghị sự Olympic 2020, Paris 2024 đang chứng minh rằng, Thế vận hội có thể mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho nước chủ nhà, đồng thời có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Đây là những Thế vận hội thực sự thích ứng với nhu cầu của nước chủ nhà và thời đại mọi người đang sống, tạo ra di sản có tác động trước lễ khai mạc và rất lâu sau khi các cuộc thi kết thúc”, Christophe Dubi - Giám đốc điều hành Ủy ban Olympic Paris 2024 cho biết.
Ông Tony Estanguet - Chủ tịch Ủy ban Olympic Paris 2024 nhấn mạnh đến mục tiêu của ban tổ chức sự kiện, nhằm tạo ra một mô hình Thế vận hội mới, vừa tạo ra một sự kiện đáng nhớ, ngoạn mục, vừa thể hiện trách nhiệm xã hội, cộng đồng, mang đến sức mạnh cho kinh tế địa phương với nhiều dự án về chỗ ở, cơ sở thể thao, không gian xanh.
Theo đó, ban tổ chức Olympic Paris và SOLIDEO - cơ quan chịu trách nhiệm cung cấp cơ sở hạ tầng cho Olympic và Paralympic đã triển khai một số lượng lớn các sáng kiến, chưa từng tại các Thế vận hội trước đây, nhằm đảm bảo 5 tỉ Euro giá trị các hợp đồng có lợi cho toàn bộ nền kinh tế và tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp rất nhỏ.
Khoảng 78% các đơn vị cung cấp dịch vụ của Olympic Paris 2024 là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có hơn 500 doanh nghiệp địa phương. Ban tổ chức muốn thông qua sự kiện thể thao lớn này để nâng cao uy tín của các doanh nghiệp địa phương.
Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng có tham vọng biến 181.000 người làm việc tại các vị trí liên quan đến Thế vận hội thành những công việc dài hạn, toàn diện, không mang tính chất thời vụ.
Giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2034 được tính là toàn bộ vòng đời của Thế vận hội Paris 2024, bao gồm thời gian chuẩn bị, xây dựng, tổ chức sự kiện và di sản để lại. Theo phương pháp luận của CDES, khoảng 84% tác động kinh tế của Olympic Paris 2024 sẽ thể hiện rõ trong giai đoạn chuẩn bị, triển khai trong năm 2024 và 16% sẽ đến giai đoạn từ năm 2024-2034.