Nỗi kinh hoàng từ các con sóng siêu dữ giữa biển khơi

tường linh (tổng hợp) |

Các con sóng “ma” cực lớn - những gã khổng lồ hung bạo ngoài biển khơi với khả năng nuốt chửng mọi con tàu biển mà chúng vô tình bắt gặp - là cơn ác mộng đã được nhiều thủy thủ lão luyện nhắc tới từ lâu. Tuy nhiên, chứng cứ về sự tồn tại của chúng mới chỉ xuất hiện trong thời gian gần đây.

Vụ mất tích bí ẩn trong đêm đen

Đêm 12.12.1978, tức chỉ còn 2 tuần trước lễ Giáng Sinh, tàu chở container MS Munchen đã gặp một cơn bão mạnh khi đang di chuyển trên Bắc Đại Tây Dương. Dù thuyền trưởng không thể tiến hành né tránh cơn bão, ông vẫn tự tin rằng các đợt sóng cao và gió lớn như dự báo không thể gây ảnh hưởng gì tới con tàu dài 261m.

Vào lúc nửa đêm, MS Munchen gửi tin nhắn tới một tàu du lịch ở gần nó nhất: "Chúc các anh có hành trình thuận lợi và hẹn gặp lại". 3 tiếng sau, cũng chính MS Munchen lại bất ngờ gửi đi một tin nhắn báo nguy thông qua hệ thống trao đổi thông tin tự động. Tàu chở hàng Marion của Hy Lạp nhận được tin này đã chuyển nó cho nhiều tàu khác.

MS Munchen báo vị trí của nó là 46°15 Bắc và 27°30 Tây. Tin nhắn, được chuyển đi bằng mã Morse, nhưng không đầy đủ. Một đoạn tin có nói “50 độ mạn phải”, khả năng nó đang nghiêng mạnh về bên phải. Nhiều tín hiệu báo nguy cũng được các trạm liên lạc vô tuyến ghi nhận vào lúc 4 giờ 43 sáng.

17 giờ 30 ngày 13.12, một chiến dịch tìm kiếm quy mô được huy động, với sự tham gia của hơn 20 tàu và máy bay.  Trong khoảng từ 17 giờ tới 19 giờ 17 ngày 13.12, thêm 10 tin nhắn báo nguy khác được phát tới trạm liên lạc vô tuyến Rota của Hải quân Mỹ đóng ở Tây Ban Nha. Một số tin có ghi “28 người trên khoang” và mã hiệu “DEAT” của MS Munchen. Sau đó, con tàu hoàn toàn rơi vào im lặng.

Con tàu container của Tây Đức khi ấy, với thủy thủ đoàn 28 người, đã "bốc hơi" đầy bí ẩn. Các lực lượng tìm kiếm chỉ phát hiện 3 phao cứu sinh không người và mảnh vỡ của một chiếc xuồng cứu sinh cỡ lớn. Các di vật khác từ MS Munchen còn có 3 container hàng và một số thiết bị nổi khác như phao báo nguy của tàu.

Trong quá trình làm rõ vụ việc, các điều tra viên đã không khỏi kinh ngạc trước những gì họ nhìn thấy. Chiếc xuồng cứu sinh, vốn được treo trên mạn tàu MS Munchen, cách mặt nước khoảng 20 mét, dường như đã bị một lực khủng khiếp xé nó ra khỏi giá treo và bóp nát.

Có hướng giả thuyết cho rằng, một con sóng khổng lồ, với chiều cao hàng chục mét, hẳn đã ụp từ trên cao xuống sàn tàu và gây ra hiện tượng trên. Nhưng khi ấy, không có chứng cứ khoa học nào xác nhận về sự tồn tại của một con sóng như vậy. Cơ quan Điều tra Hàng hải Tây Đức sau này phải tuyên bố họ "không thể giải thích nguyên nhân khiến tàu chìm".

Khi sóng biển lớn bằng tòa nhà cao nhiều tầng

Trong nhiều thế kỷ, cộng đồng những người đi biển đã rỉ tai nhau về một điều mà giới nghiên cứu mới chỉ ghi nhận vài thập kỷ nay: Đại dương là chốn nguy hiểm hơn nhiều so với người ta vẫn tưởng, bởi sự ngự trị của các con sóng “ma”, hay những siêu sóng với kích cỡ khổng lồ. Giới khoa học, dựa trên dữ liệu thu thập được, vẫn chưa thể có câu trả lời rằng có đúng là các con sóng với chiều cao tới 20, 30 mét đang tồn tại ngoài kia?

Bằng chứng cuối cùng chỉ xuất hiện vào dịp năm mới 1995, khi một cơn bão tấn công giàn khoan dầu Draupner ở Biển Bắc. Trên giàn khoan có trang bị máy đo khoảng cách bằng laser và nhờ thiết bị này mà người ta lần đầu ghi lại được một siêu sóng cao tới 26 mét, tính từ chân tới đỉnh sóng. Đây là con sóng lớn dị thường, khi những sóng biển khác trong cơn bão ấy cao tối đa cũng chỉ 11,8 mét.

Chứng cứ này đã khiến một huyền thoại trên biển trở thành sự thật không thể tranh cãi. Và siêu sóng không chỉ khẳng định sự tồn tại của nó mà còn tiếp tục gieo rắc nỗi kinh hoàng cho các nạn nhân.

Tháng 9.1995, tàu RMS Queen Elizabeth 2 của Anh bất ngờ đối mặt với siêu sóng cao tới 29 mét khi đang di chuyển trên ở Bắc Đại Tây Dương trong cơn bão Luis. Thuyền trưởng  Ronald Warwick kể rằng cột sóng thình lình xuất hiện trong đêm, to lớn như một vách núi khổng lồ. Con tàu khách này đã phải lao vào cột sóng, đang dựng lên gần như thẳng đứng, và chỉ sống sót nhờ may mắn.

Tháng 11.2000, tàu nghiên cứu hải dương R/V Ballena của Mỹ bị một siêu sóng cao hơn 20 mét tấn công tại khu vực ngoài khơi Santa Barbara, California. Con tàu dài 17m lập tức chìm xuống biển. Hai thành viên thủy thủ đoàn bị kẹt lại tàu trong một thời gian ngắn, nhưng rồi họ may mắn thoát ra ngoài thông qua cách cửa sổ nằm ở bên thân và được cứu sống.

Tháng 4.2005, tàu du lịch Norwegian Dawn bị ba siêu sóng tấn công liên tiếp khi đang di chuyển tại khu vực biển động ngoài khơi tiểu bang Georgia, Mỹ. “Biển khi ấy đang dần yên ả. Bất ngờ ba con sóng cao tới 21 mét xuất hiện rất đột ngột”, một thủy thủ trên tàu kể lại. “Thuyền trưởng của chúng tôi, người đã có 20 năm trong nghề, nói rằng ông chưa từng thấy điều gì như thế trước kia.”

Trong ba siêu sóng ấy, cơn sóng thứ ba gây thiệt hại nặng nhất. Nó bẻ gãy hàng lan can bảo vệ của hai căn phòng nằm trên tầng 9 và 10 của con tàu, đập vỡ cửa kính. Nước ồng ộc ùa vào trong tàu từ các cửa kính vỡ đã làm hư hại thêm 61 phòng khác.

Ngày 3.3.2010, tới lượt tàu du lịch Louis Majesty đối mặt 3 siêu sóng một lúc khi đang trong chuyến hải trình dài 12 ngày trên Địa Trung Hải. Các con sóng được báo cáo là cao tới 8 mét trong điều kiện sóng tương đối nhẹ. Khi đập vào mạn tàu, chúng làm vỡ nhiều cửa kính và bắn mảnh kính với tốc độ cao vào hành khách trên con tàu, khiến 2 người chết tại chỗ, 14 người bị thương.

Cho đến nay, giới nghiên cứu tin rằng, siêu sóng với chiều cao lớn đã nhấn chìm ít nhất 22 siêu tàu chở hàng và tước đi hơn 500 sinh mạng, chỉ trong nửa sau thế kỷ 20. Họ chỉ ra rằng, nhiều con tàu có thể đã bị siêu sóng nhấn chìm, nhưng do công tác điều tra quá phức tạp nên người ta chỉ kết luận đơn giản rằng chúng gặp nạn và mất tích vì “thời tiết xấu”.

Không phải hiện tượng hiếm hoi

Sự kiện ở giàn khoan dầu Draupner giống như chiếc chìa khóa mở toang cánh cửa vào hoạt động nghiên cứu siêu sóng. Nghiên cứu đầu tiên, nhằm chứng minh một cách toàn diện rằng siêu sóng có tồn tại, với độ lớn và sức mạnh vượt quá mọi thang đo khi ấy, đã được xuất bản vào năm 1997.

Tuy nhiên phải đến năm 2000, người ta mới có thêm các chứng cứ rõ rệt hơn về siêu sóng. Lần đó, tàu nghiên cứu hải dương RRS Discovery của Anh đã ghi nhận một siêu sóng đặc biệt lúc đang hoạt động tại khu vực ngoài khơi bờ biển Scotland. Con tàu khoa học này, với đầy thiết bị đo đạc chính xác cao, nhận ra rằng nó đã bị một siêu sóng cao 29,1 mét tấn công. Trong ngày hôm đó, tàu còn ghi nhận thêm một siêu sóng khác với chiều cao 18,5 mét. Đây là những con sóng lớn nhất từng được thiết bị khoa học ghi nhận khi ấy.

Sự kiện đã giúp nhóm các nhà nghiên cứu có mặt trên RSS Discovery đưa ra kết luận rằng những mô hình dự báo sóng đang tồn tại khi ấy đều tính toán “chưa tới” độ lớn của các con sóng có thể xuất hiện trong điều kiện biển động. Dự báo sóng cao nhất trước kia chỉ rơi vào khoảng từ 12 - 15 mét. Nhưng thực tế, độ cao đã lớn vượt trội mức này.

Điều đáng quan tâm là hoạt động thiết kế, chế tạo tàu du lịch, tàu cá, dàn khoan và tàu chở khách cũng đều chỉ tính toán chịu đựng các con sóng cao tới 15 mét, thay vì phải đối mặt với những siêu sóng cao đến 20, 30 mét. Nói đơn giản, người ta không hề có phương án thiết kế để cho ra những con tàu chịu đựng được cuộc tấn công của các siêu sóng. Nguyên nhân bởi niềm tin rằng sóng cao tới 30 mét là hiện tượng rất hiếm hoi, chỉ xuất hiện sau khoảng 10.000 năm mỗi lần hoặc hơn thế.

Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện đại đã cho thấy điều này không đúng. Năm 2004, dự án MaxWave của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã phát hiện hơn 10 siêu sóng có chiều cao hơn 25 mét chỉ trong khoảng thời gian khảo sát dài 3 tuần tại Nam Đại Tây Dương. Các vệ tinh ERS của ESA về cơ bản đã giúp giới khoa học xác định được rằng siêu sóng không phải hiện tượng hiếm gặp, mà trái lại diễn ra rất phổ biến.

Năm 2007, hoạt động nghiên cứu qua vệ tinh tiếp tục khẳng định rằng siêu sóng với chiều cao từ đáy lên đỉnh nằm trong ngưỡng 20-30 mét xảy ra thường xuyên hơn nhiều so với người ta vẫn nghĩ. Hiện người ta tin rằng, mỗi ngày siêu sóng vẫn xuất hiện nhiều lần trên khắp các vùng biển của thế giới.

Giáo sư Nail Akhmediev thuộc Đại học Quốc gia Australia - một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về đại dương - từng tuyên bố, vào bất kỳ thời điểm nào, trên các đại dương của thế giới luôn có 10 siêu sóng đang hoạt động.

Một số nhà nghiên cứu thậm chí phỏng đoán rằng xấp xỉ 3/10.000 con sóng trên các đại dương là siêu sóng. Họ chỉ ra rằng tại những nơi như cửa sông hoặc các đầm phá ven biển – các địa điểm nơi năng lượng sóng dễ dàng được tập trung vào một điểm, siêu sóng có thể xuất hiện sau mỗi 1.000 con sóng bình thường.

Siêu sóng còn được cho là có thể xuất hiện trong các hồ nước lớn chứ không chỉ ở ngoài biển khơi. “Ba chị em” là cái tên đã được đặt cho một hiện tượng siêu sóng, trong đó ba con sóng lớn liên tiếp xuất hiện và tấn công đe dọa tàu. Đây là hiện tượng rất nguy hiểm, ở đó con sóng thứ hai chồm lên tấn công tàu ngay khi nước từ con sóng thứ nhất còn chưa rút hết. Con sóng thứ ba, chồm lên con sóng thứ hai, sẽ đổ lượng nước quá lớn vào tàu khiến nó nhanh chóng bị chìm. “Ba chị em”  là hiện tượng mà hai tàu Norwegian Dawn và Louis Majesty đã đối mặt. Đây cũng chính là lý do khiến tàu SS Edmund Fitzgerald chìm tại hồ Superior của Mỹ vào tháng 11.1975.

Dự đoán để chế ngự quái vật biển khơi

Khác với sóng thần, hiện tượng chỉ xuất hiện khi có những chấn động đặc biệt liên quan tới địa chất đáy biển như động đất, siêu sóng gây khiếp sợ vì chúng luôn hiện ra đầy bất ngờ và nhanh chóng biến mất không để lại dấu vết sau khi gây họa.

Giới khoa học ngày hôm nay đã chấp nhận rằng siêu sóng là một dạng sóng biển đặc biệt, không hình thành theo các quy luật thông thường và vì thế cũng không thể tính toán dựa theo mô hình sóng thông thường. Tuy nhiên, họ không thể thống nhất rằng siêu sóng đã hình thành như thế nào.

Hiện nay, có nhiều hướng giả thuyết đang tồn tại. Hướng thứ nhất cho rằng các con sóng đã hợp lực. Theo đó, sóng từ một dòng biển sẽ đập vào một dòng biển chạy theo hướng ngược lại. Điều này sẽ khiến các con sóng bị ép vào nhau và có xu hướng tăng chiều cao bất thường. Hiện tượng này xảy ra khá nhiều tại bờ biển Nam Phi.

Hướng giả thuyết thứ hai là siêu sóng hình thành khi một con sóng bất thường sẽ “hút” năng lượng từ các con sóng khác nằm gần nó, dần dần trở thành một cột sóng khổng lồ. Khi được tăng lực, cột sóng này sẽ tăng dần chiều cao tới mức gần như thẳng đứng, cho đến khi nó trở nên bất ổn định và đổ ụp xuống.

Hướng giả thuyết thứ ba cho rằng siêu sóng không phải là hiện tượng dị thường. Đây chỉ là một trong các dạng sóng xuất hiện trong tiến trình tạo sóng bình thường trên đại dương! Siêu sóng hình thành khi một con sóng chồm lên con sóng khác. Khi hai con sóng hợp vào nhau, chiều cao và sức mạnh của chúng sẽ tăng lên tương ứng.

Hướng thứ tư đánh giá siêu sóng là kết quả từ quá trình hợp lực giữa gió biển và nhiều yếu tố khác. Cụ thể, khi gió mạnh thổi trên mặt biển trong cơn bão, nó có thể vô tình hợp lực với một đợt sóng lớn và biến nó thành siêu sóng.

Hướng giả thuyết cuối cùng cho rằng siêu sóng là kết quả của sự giãn nở nhiệt. Khi các con sóng khá ổn định của một dòng biển nóng va chạm với sóng của một dòng biển lạnh, kích cỡ của chúng sẽ thay đổi bởi sự khác biệt về năng lượng tích tụ. Do chứa nhiều năng lượng hơn, sóng của dòng biển lạnh sẽ lấn lướt và trở thành siêu sóng.

Có vẻ như các cuộc tranh cãi về nguyên nhân gây ra siêu sóng sẽ còn kéo rất dài. Nguyên nhân do có quá nhiều nhóm khoa học gia đang nghiên cứu về vấn đề này, từ các chuyên gia thử nghiệm cho tới những bậc thầy về lý thuyết, từ những nhà chuyên môn về sóng quang học cho tới những người đầu ngành về thủy động lực học. Tất cả vẫn chưa thể hợp nhất các hướng tiếp cận khác nhau và không có dấu hiệu nào cho thấy một sự đồng thuận đang xuất hiện.

Tuy nhiên, tìm được đáp án chung vẫn là một yêu cầu quan trọng, bởi chúng ta chỉ có thể dự báo thời điểm các siêu sóng chết người xuất hiện khi đã hiểu rõ về chúng. Với các thủy thủ trên những con tàu, hoặc các giàn khoan đang bị cô lập giữa biển khơi bão tố - những người phải căng mình ra chiến đấu với các con sóng cao ngất - việc nắm được bất kỳ dấu hiệu nào về siêu sóng cũng có thể mang ý nghĩa sống còn.

Những vụ việc nổi tiếng bị nghi do siêu sóng gây ra

Năm 1853, tàu Annie Jane chở 500 người di cư từ Anh sang Canada bị siêu sóng tấn công. Chỉ có 100 người còn sống sót và về tới bờ sau thảm họa.

Năm 1884, siêu sóng xuất hiện ngoài khơi khu vực Tây Phi đã nhận chìm Mignonette, một chiếc thuyền buồm nhỏ đang đi từ Anh tới Australia. Thủy thủ đoàn 14 người phải lên xuồng cứu sinh để sống sót. Sau 19 ngày trôi dạt, thuyền trưởng đã phải giết thành viên nhỏ tuổi nhất, một cậu trai mới 17 tuổi, để ba người còn sống có thức ăn tồn tại.

Năm 1909, tàu hơi nước SS Waratah đã biến mất không để lại một dấu vết nào cũng 200 hành khách khi đang di chuyển ngoài khơi Nam Phi. Khu vực biển này hiện được biết tới như nơi hay xuất hiện siêu sóng.

Năm 1980, MV Derbyshire - một tàu chở hàng trọng tải hơn 91.000 tấn của Anh -  đã biến mất không một dấu vết trong cơn bão Orchid. Cùng ra đi với con tàu là thủy thủ đoàn 44 người. Xác con tàu chỉ được tìm thấy vào năm 1994. Hoạt động nghiên cứu xác Derbyshire cho thấy con tàu có thể đã bị các cột sóng cao tới 28 mét tấn công và bị chìm.

tường linh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Tim than Ostrava có còn đập mãi?

Ghi chép của Kiều Bích Hậu |

Nếu ai đã một lần đặt chân tới Ostrava, thành phố lớn thứ ba của Cộng hòa Czech, được coi như thủ đô công nghiệp nặng vùng Trung Âu, mà lại không chui xuống khu hầm lò Vitkovice để nhìn tận mắt một thế giới ngầm - nơi tim than Âu châu từng đập mạnh mẽ khơi dậy sức sống cho cả một vùng công nghiệp sầm uất, thì sẽ là một thiệt thòi lớn cho chính mình.

Tổng thống Trump: “Không lo chút nào” khi dự họp cùng người bị COVID-19

Song Minh |

Tổng thống Donald Trump tuyên bố “hoàn toàn không lo ngại” khi dự hội nghị cùng một người nhiễm COVID-19.

Lý giải nguyên nhân COVID-19 lây nhiễm chóng mặt ở Châu Âu

Ngọc Vân |

EU chưa sẵn sàng các biện pháp cần thiết khiến số ca nhiễm COVID-19 ở Châu Âu tăng chóng mặt lên tới hơn 5.500.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

Tim than Ostrava có còn đập mãi?

Ghi chép của Kiều Bích Hậu |

Nếu ai đã một lần đặt chân tới Ostrava, thành phố lớn thứ ba của Cộng hòa Czech, được coi như thủ đô công nghiệp nặng vùng Trung Âu, mà lại không chui xuống khu hầm lò Vitkovice để nhìn tận mắt một thế giới ngầm - nơi tim than Âu châu từng đập mạnh mẽ khơi dậy sức sống cho cả một vùng công nghiệp sầm uất, thì sẽ là một thiệt thòi lớn cho chính mình.

Tổng thống Trump: “Không lo chút nào” khi dự họp cùng người bị COVID-19

Song Minh |

Tổng thống Donald Trump tuyên bố “hoàn toàn không lo ngại” khi dự hội nghị cùng một người nhiễm COVID-19.

Lý giải nguyên nhân COVID-19 lây nhiễm chóng mặt ở Châu Âu

Ngọc Vân |

EU chưa sẵn sàng các biện pháp cần thiết khiến số ca nhiễm COVID-19 ở Châu Âu tăng chóng mặt lên tới hơn 5.500.