1. Mỹ: 8.133,46 tấng vàng dự trữ
Mỹ là quốc gia sở hữu nhiều vàng dự trữ nhất trên thế giới với 8.133,46 tấn vàng thỏi. Con số này nhiều gần bằng số vàng của Đức, Italia và Nga cộng lại. Vàng dự trữ đang được cất trong các kho lưu trữ trên khắp nước Mỹ.
2. Đức: 3.359,12 tấn vàng dự trữ
Đứng thứ 2 thế giới về lượng vàng dự trữ là Đức với 3.359,12 tấn, được chia ra cất trữ ở nhiều nơi trên thế giới, gồm Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ ở New York, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Pháp và tất nhiên là cả quê nhà Đức.
3. Italia: 2.451,48 tấn vàng dự trữ
Không giống như ở các quốc gia khác - vàng dự trữ thuộc sở hữu nhà nước và do Ngân hàng Trung ương quản lý - vàng dự trữ tại Italia thực sự thuộc quyền sở hữu của Ngân hàng Trung ương Banca d'Italia.
Số vàng này được giữ trong các kho chứa ở Rome và tại Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ ở New York và Ngân hàng Anh. Chính phủ Italia hồi tháng 2.2019 từng tuyên bố sẽ "không bán một gam" vàng dự trữ nào để lấp đầy các lỗ hổng ngân sách.
4. Pháp: 2.436,32 tấn vàng dự trữ
Pháp dự trữ được 2.436,32 tấn vàng, phần lớn trong số này được mua vào những năm 1950 và 1960. Vàng dự trữ của Pháp được cất giữ trong các hầm chứa của Ngân hàng Trung ương ở Paris, một số ít được gửi ở nước ngoài.
5. Nga: 2.292,31 tấn vàng dự trữ
Trong 5 năm qua, Nga đã chi ra 40 tỉ USD để tăng dự trữ vàng, cho phép nước này vượt qua Trung Quốc trong bảng xếp hạng và giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.
Nga cũng sở hữu một ngành công nghiệp khai thác vàng trị giá hàng tỉ USD, đồng nghĩa với việc họ không cần phải phụ thuộc vào nguồn vàng nhập khẩu.
6. Trung Quốc: 1.948,31 tấn vàng dự trữ
Sở hữu 1.948,31 tấn vàng dự trữ và đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng dự trữ vàng nhưng Trung Quốc lại là nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới, chiếm 12% sản lượng khai thác toàn cầu, theo US Global Investors.
7. Thụy Sĩ: 1.040 tấn vàng dự trữ
Phần lớn trong số 1.040 tấn vàng dự trữ của Thụy Sĩ được lưu trữ ở quê nhà, trong khi một số ít được bảo quản ở Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Canada. Năm 2014, Thụy Sĩ đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định xem Ngân hàng Quốc gia nước này có nên tăng dự trữ vàng từ 7% lên 20% hay không. Kết quả 78% người tham gia phản đối nên Thụy Sĩ vẫn giữ nguyên hiện trạng dự trữ vàng ở mức 7% .
8. Nhật Bản: 845,97 tấn vàng dự trữ
Nhật Bản sở hữu 845,97 tấn vàng trong kho dự trữ. Hồi tháng 12.2020, khoảng 80 tấn vàng dùng để đúc tiền xu đã được bán cho một cơ quan khác thuộc chính phủ khi nước này tìm cách tài trợ cho gói kích thích khổng lồ giữa bối cảnh dịch COVID-19.
Nhật Bản có nguồn tài nguyên vàng chạy dọc khắp đất nước và đã được khai thác quy mô nhỏ suốt nhiều thế kỷ nay.
9. Ấn Độ: 703,71 tấn vàng dự trữ
Trong vài năm qua, lượng dự trữ vàng của Ấn Độ đã tăng thêm 95 tấn, lên tổng số 703,71 tấn. Do truyền thống văn hóa, Ấn Độ có lượng vàng dự trữ rất lớn tại các hộ gia đình, đặc biệt dưới dạng vàng trang sức. Ngành khai thác vàng của Ấn Độ không đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước nên hầu hết vàng ở nước này được nhập khẩu từ bên ngoài.
10. Hà Lan: 612,45 tấn vàng dự trữ
Đứng ở vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng dự trữ vàng thế giới, Hà Lan sở hữu 612,45 tấn vàng dự trữ trong kho. Tháng 10.2019, có thông tin cho rằng Ngân hàng Trung ương Hà Lan sẽ vận chuyển 14.000 thỏi vàng, tương đương 175 tấn, đến một địa điểm tạm thời ở Haarlem trước khi chuyển đến cất giữ cố định ở Trung tâm tiền mặt DNB ở Zeist.
Đúng trong tháng 10 đó, một cuộc vận chuyển đã diễn ra với sự hộ tống của lực lượng an ninh có vũ trang, trực thăng và xe nâng để chuyển đi 200 tấn vàng từ Ngân hàng Trung ương Hà Lan ở Amsterdam đến một kho tiền ở Haarlem.