Những đảo nổi thơm mùi lau sậy

Đỗ Doãn Hoàng |

Từ Việt Nam, sau 29 giờ bay trên trời, cả thảy 5 lần lên xuống máy bay, chúng tôi mới đến được thành phố Juliaka của nước bạn Peru. Thêm một giờ lái xe, khu đô thị cổ Puno hiện ra, soi mình bên hồ Titicaca rộng đến mức không tài nào thấy nổi đường chân trời.

"Cả một nền văn minh thơm mùi lau sậy"

Trên đỉnh Altiplano huyền diệu của dãy Andes nổi tiếng trùm lên lãnh thổ hai quốc gia Peru và Bolivia, nhiều triệu năm qua đã chòng chành treo lơ lửng con hồ Titicaca. Đã ở chon von đỉnh giời rồi, độ sâu trung bình của nó lại những 107m, chỗ sâu nhất 281m.

Ngoài việc rộng khoảng 8.300km2, tức là bằng khoảng 3 cái Biển Hồ Tonle Soap ở Campuchia cộng lại, hồ Titicaca còn giữ thêm một kỷ lục khiến gã đi núi nhiều như tôi nghe đã chợn rợn - hồ nằm ở độ cao 3.812m. Đến với hồ,  là  mắc hội chứng độ cao, không khí loãng, môi nứt toác, thiếu ôxy, chưa làm gì đã muốn quỵ xuống,

Và bây giờ, thuê một con thuyền, chúng tôi du ngoạn hồ với một câu chuyện còn “độc nhất vô nhị” hơn nữa: Hơn 40 hòn đảo nổi trôi tết bằng lau sậy có các cụm dân cư rực rỡ sắc màu sinh sống. Và cả một nền văn minh thơm mùi lau sậy.

Thuyền sơn trắng bốp, đi êm ru, bởi hồ chả có tí sóng nào. Nước xanh như lá rừng, chứ không xanh ngọc bích như hồ Bọ Cạp ở Tây Tạng, dù độ cao đôi chỗ tương đương nhau. Hồ nhìn rõ rong rêu đáy nước.

Chúng tôi đi qua các vùng đất ngập nước vàng óng lau sậy. Ở các mô đất cứng hơn, loài lợn thả rông bé xíu nằm lơ mơ trên bùn đất rất đông.

Bộ tộc Uros đã sống lâu đời trên các đảo dạng này từ thời đại Inca (khoảng thế kỷ 13 đến thế kỷ 16). Người Uros bao đời nay vẫn thường săn chim trời, nuôi lợn... để có nguồn thực phẩm giữa mênh mông trời nước.

Bây giờ, người Peru bảo tồn hệ động thực vật ở kỳ quan hồ treo trên núi, rộng như biển này để làm du lịch. Họ còn tết thêm các đảo nhỏ để nuôi gà vịt làm thức ăn, không săn bắn hái lượm nữa. Hết mối đe doạ, chim về đông như hội.

Thuyền rẽ rong rêu, khoe đáy nước trong vắt nhởn nhơ các loài thuỷ sinh kiêu kỳ. Đi đến đâu, chim nước nhón cặp chân cao gầy như vũ nữ đi về phía bụi rậm tránh trú. Vài con kiểu le le, mồng két, hay gà nước, vịt trời gì đó chả có dấu hiệu muốn trốn chạy. Nhiều mỏm đất cao nhô lên khỏi mặt nước luôn phủ trắng phân chim. Đảo ướt sũng các loài thuỷ cầm đang sưởi nắng. Nhan sắc của thiên nhiên hoang dã phơi bày theo từng chặng ù ì rẽ sóng của con thuyền trắng lãng mạn hơn cả một cánh buồm no gió.

Hai bên mạn thuyền đã lấp loáng cái màu vàng óng ả trong ban mai, lái thuyền đắc chí: “Đảo đấy. Thật ra chúng là những con thuyền cỏ khổng lồ”. Tôi phóng tầm mắt ra bát ngát mặt hồ. Đường chân trời là các hòn đảo nổi bồng bềnh như những đụn rơm Bắc Bộ quê tôi bỗng dưng to gấp vạn vạn lần và biến thành đảo cỏ nổi nênh.

Mấy trăm năm qua, bà con nơi này không có đến cả “cục đất chọi chim”. Họ phải cắt cỏ. Tất cả đồ lau sậy năn lác đó, họ tết thành búi, thả trên mặt hồ Titicaca rộng lớn. Lúc đầu một vài người ở, vừa nổi nênh vừa chờ cỏ mọc và cắt về bồi thêm vào cho đảo to lớn, cõng được nhiều gia đình trên mặt nước hơn. Dần dà, tập quán sống trên đảo nổi ra đời. Họ sống theo làng, có trưởng làng trưởng đảo.

Tôi đã hỏi nhiều người dân sở tại: Đảo nổi để làm gì? Sao không lên bờ mà ở? Họ nói rằng, có một thời kỳ dài, chiến tranh liên miên nên họ ra đảo hoang sống. Họ hy vọng, đảo nổi có thể cơ động di chuyển chạy trốn hoặc… tấn công truy kích kẻ thù được. Có khi đảo đứt dây neo, bà con bị gió thổi từ Peru sang Bolivia luôn.

Bà con tết bằng lau sậy, bằng lá gì như lá móc, lá cọ, để có những cái cổng chào to hình ông mặt trời với mũi miệng mỉm cười. Truyền thuyết kể rằng, vì thương xót người con trai xấu số của mình, Thần Mặt trời đã khóc nhiều đến mức nước mắt của ngài chảy thành đại hồ như ngày nay. Titicaca chia làm hai phần hình tương đối tròn, nối với nhau bằng một eo nước hẹp chỉ 800m tên là Tiquina.

Chia sẻ nỗi đau với vị thần mà cả vùng rộng lớn của Nam Mỹ cổ thờ tự hiến tế, bà con bộ tộc Uros đã vào rừng săn nhiều con báo đá để tế thần. Vì vậy, cái tên Titicaca còn có nghĩa là “con báo đá”. Đó là lý do mà hầu như thuyền bè nào của người trên đảo nổi Titicaca cũng có con báo đá nghễu nghện ở trước mũi, như một linh vật tế Thần Mặt Trời cầu bình an sông nước. Mỗi cổng làng đều có mặt cười hình ông mặt trời tết bằng lá cây.

Người Uros hiện nay sống trên hơn 40 đảo nổi tết bằng cỏ như đã mô tả ở trên. Có đảo chỉ rộng 30m2 và đủ cho hai gia đình sinh sống, có đảo rộng lớn như một pháo đài nổi, một chiến hạm phủ cỏ nguỵ trang có thể di chuyển khi có biến. Có làng nổi, cỏ vàng óng ả lồm xồm, bà con dựng hình một con vịt to đến mức cả chục người đi mười mấy bậc cầu thang leo lên lưng nó, đứng trong hộc bụng nó mà ngắm bốn phương tám hướng. Vịt ta có cặp mỏ cong cớn vàng tươi như quàng quạc hướng ra mặt hồ lộng gió. Hiếm có ai không leo vào đó check in một vài tấm ảnh. Có hòn đảo, họ tết chữ “Titicaca” to lừng lững, óng ánh đủ sắc màu, dựng nó trên sân cỏ vàng như sân rơm, cỏ tươi thơm lựng như mùi đòng đòng lau lách ngon lành.

Tôi chứng kiến bà con cầm những cái liềm cong sắc lẻm đi cắt lau sậy, rồi rong thuyền chở về hòn đảo nổi của mình. Họ khéo léo chế biến ra đủ thứ, từ trò chơi cho con trẻ, đồ nấu nướng, tết cỏ thành nhà cửa, trường học, nhà thờ, đến bếp núc, đồ lưu niệm. Lau sậy xây đài quan sát, làm thuốc chữa đau bụng đau răng, làm đồ thêu và dệt trang phục, làm chiến thuyền cong vút như thuyền rồng của vua chúa. Lau sậy tươi nguyên, toả ra một thứ mùi đồng ruộng gò đồi đầy thương mến.

Ít ai ngờ đặc sản cây sậy totoras của Titicaca còn có thể ăn được. Lúc chúng khô ron, tản bộ trên đảo nhập nhềnh như đi trên chăn đệm, mới càng thấm thía thế nào là những con đường thơm. Thơm nhằm nhặm, thơm đến mức nó khiến người ta muốn nằm xuống đó mà hà hít đánh một giấc dài, nghe sóng mơn man bốn bề.

Gà đẻ trứng vàng

Đảo nổi như các chiến thuyền, các pháo đài trên sông nước thời cổ, bây giờ đã bắt nhịp được với cơn lốc làm du lịch. Ngành công nghiệp không khói của Puno, Peru đã biến đảo nổi thành con gà đẻ trứng vàng.

Nhiều hòn đảo vẫn chìm dần xuống đáy nước sâu gần 300m của con hồ kỳ ảo. Bà con vừa tưng bừng nhảy múa với khách du lịch, vừa cắt cử người rong thuyền đi cắt lau sậy về phủ lên các góc đảo. Lau sậy dễ mủn mục khi ngâm nước, vì thế để nuôi các hòn đảo nổi độc đáo, từ nhiều đời nay, bà con bộ tộc Uros vẫn liên tục phải tiếp nhiên liệu cho “toà lâu đài vàng óng trên sóng nước Titicaca” của mình. “Đảo như một con bò ấy, nó phải ăn cỏ để tiếp tục sống và bơi trên mặt hồ” - vị trưởng làng hài hước bắt tay du khách.

Trên con hồ rộng nhất Nam Mỹ và lọt vào top 20 hồ cổ nhất thế giới ấy, nhờ truyền thống độc đáo của mình, 500 bà con bộ tộc đã nhận ra: Đón khách du lịch sẽ là nguồn thu chính của họ. Nhiều tấm pin năng lượng mặt trời được lắp để lấy điện thắp sáng, thu tín hiệu tivi. Góc đảo lớn tết bằng cỏ còn có đài phát thanh mỗi ngày “nói” vài tiếng đồng hồ. Rất nhiều gia đình dọn dẹp góc nhà tết bằng cỏ của mình để có một căn phòng phục vụ khách hiếu kỳ ngủ qua đêm.

Họ cũng biểu diễn nấu nướng trên một hòn đảo khô ron toàn cỏ. Bà con có truyền thống xếp các đống đá nhỏ trên mặt đảo cỏ, rồi thu vén đun nấu khéo léo ở đó. Vì không có tủ lạnh, tránh bị cô lập và đói khát vào mùa băng giá, họ thường phơi khô cá, các loài chim và thuỷ cầm nói chung. Cá khô của hồ Titicaca không to nhưng nó có vị đắng, thơm giòn một cách thanh tao kỳ lạ.

Thái độ phục vụ nồng nhiệt của người Uros trong các homestay lềnh bềnh kia có thể khiến bất cứ ai cũng phải rưng rưng cảm kích. Phụ nữ bộ tộc Uros đội mũ rực màu có hình quả dưa, mặc váy phồng rực rỡ. Họ cúi mình, mỉm cười, nắm tay từng khách. Họ dẫn bạn vào một thế giới của các điệu dân vũ mơ màng dưới ánh trăng.

Đỗ Doãn Hoàng
TIN LIÊN QUAN

Hơn 140 hình vẽ cổ được tìm thấy trên cát ở Peru

Thu Hương (Theo CNN) |

Các nhà khoa học đã phát hiện ra hơn 140 hình vẽ cổ xưa được chạm khắc trên đất của người cổ đại và hy vọng có thể tìm được manh mối về lối sống từ hàng ngàn năm trước.

Copa America 2019: "Cơn gió lạ" Peru

VIỆT HÙNG |

Đánh bại Chile tới 3-0 trong trận bán kết, Peru nổi lên như một ứng viên sáng giá cho chức vô địch dù trước mắt họ là chủ nhà Brazil hùng mạnh.

Khám phá đất nước Peru thuở xa xưa qua ‘’Khởi đầu trang sử”

Lê Quang Vinh |

Triển lãm ‘’Khởi đầu trang sử’’ gồm gần 400 tranh minh họa cho cuốn ‘’Biên niên sử mới và Chính phủ tốt’’ của tác giả Felipe Guamán Poma de Ayala khai mạc sáng 9.5 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (Hà Nội ). Đây là dịp hiếm cho những người muốn tìm hiểu về lịch sử đất nước Peru.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Hơn 140 hình vẽ cổ được tìm thấy trên cát ở Peru

Thu Hương (Theo CNN) |

Các nhà khoa học đã phát hiện ra hơn 140 hình vẽ cổ xưa được chạm khắc trên đất của người cổ đại và hy vọng có thể tìm được manh mối về lối sống từ hàng ngàn năm trước.

Copa America 2019: "Cơn gió lạ" Peru

VIỆT HÙNG |

Đánh bại Chile tới 3-0 trong trận bán kết, Peru nổi lên như một ứng viên sáng giá cho chức vô địch dù trước mắt họ là chủ nhà Brazil hùng mạnh.

Khám phá đất nước Peru thuở xa xưa qua ‘’Khởi đầu trang sử”

Lê Quang Vinh |

Triển lãm ‘’Khởi đầu trang sử’’ gồm gần 400 tranh minh họa cho cuốn ‘’Biên niên sử mới và Chính phủ tốt’’ của tác giả Felipe Guamán Poma de Ayala khai mạc sáng 9.5 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (Hà Nội ). Đây là dịp hiếm cho những người muốn tìm hiểu về lịch sử đất nước Peru.