Nhật Bản đã công bố một bước ngoặt lớn trong chính sách năng lượng của mình sau khi quốc gia Châu Á này thông qua một chính sách mới thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân nhiều hơn, chấm dứt lệnh cấm kéo dài 11 năm qua sau thảm họa hạt nhân Fukushima.
Theo chính sách mới, Nhật Bản sẽ tối đa hóa việc sử dụng các lò phản ứng hạt nhân hiện có bằng cách khởi động lại càng nhiều càng tốt, kéo dài tuổi thọ hoạt động của các lò phản ứng cũ đã vượt quá giới hạn 60 năm và phát triển các lò phản ứng thế hệ tiếp theo để thay thế.
Dự luật được đề xuất đánh dấu sự đảo ngược hoàn toàn các biện pháp an toàn hạt nhân mà nước này đã áp dụng sau khi một trận sóng thần mạnh ập đến khiến ba trong số sáu lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima bị tan chảy. Lo sợ phản ứng dữ dội của công chúng, Chính phủ Nhật Bản đã ngừng xây dựng các lò phản ứng mới hoặc thay thế các lò phản ứng cũ.
Tình hình không thể khác hơn ở Châu Âu - khu vực đang đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất. Mười tháng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina, các Chính phủ Châu Âu phản đối năng lượng hạt nhân đã cho thấy sự thay đổi.
“Chúng tôi không nói về sự phục hưng của hạt nhân nhưng có lẽ cần một sự thay đổi” - Nicolas Berghmans, chuyên gia năng lượng và khí hậu tại Viện Phát triển bền vững và Quan hệ quốc tế (IDDRI) có trụ sở tại Pháp, nói với Al Jazeera.
Trường hợp tương tự áp dụng cho khai thác đá phiến (fracking). Những người ủng hộ fracking cho rằng tiềm năng khí đá phiến của Châu Âu đang cần đến hơn bao giờ hết, mặc dù Đức, Pháp, Hà Lan, Scotland và Bulgaria trước đây đều đã cấm fracking và không có dấu hiệu sớm thay đổi ý định.
Vương quốc Anh là ngoại lệ duy nhất. Cựu Thủ tướng Anh Liz Truss tuyên bố Vương quốc Anh sẽ dỡ bỏ lệnh cấm khai thác khí đá phiến được ban hành vào năm 2019 khi quốc gia này tìm cách tăng cường các nguồn năng lượng trong nước và giúp các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các hóa đơn năng lượng tăng vọt.
"Nhiên liệu bẩn" duy nhất đã trở lại mạnh mẽ ở Châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng là than đá.
Theo Washington Post, các mỏ than và nhà máy điện đóng cửa 10 năm trước đã bắt đầu được sửa chữa ở Đức. Trong cái mà các nhà quan sát trong ngành gọi là “mùa xuân” cho các nhà máy nhiệt điện than của Đức, nước này dự kiến sẽ đốt ít nhất 100.000 tấn than mỗi tháng vào mùa đông. Đó là một bước ngoặt lớn khi xét đến mục tiêu của Đức là loại bỏ dần tất cả điện sản xuất bằng than vào năm 2038.
Các nước Châu Âu khác như Áo, Ba Lan, Hà Lan và Hy Lạp cũng đã bắt đầu khởi động lại các nhà máy điện than.