Chính phủ Nhật Bản ngày 13.4 đã quyết định xả nước phóng xạ đã qua xử lý tích tụ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi xuống biển vì xác định rằng nước này không gây lo ngại về an toàn cho con người hoặc môi trường, Kyodo đưa tin.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã gặp các thành viên trong nội các của ông, bao gồm cả Bộ trưởng Công nghiệp Hiroshi Kajiyama để chính thức hóa quyết định. Quyết định xả nước từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển được đưa ra một thập kỷ sau thảm họa kép động đất và sóng thần tháng 3.2011.
Nước được bơm vào các lò phản ứng đổ nát ở nhà máy Fukushima để làm mát nhiên liệu tan chảy, hòa trộn với nước mưa và nước ngầm cũng đã bị ô nhiễm. Nước tại đây sau đó được xử lý bằng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến hay còn gọi là ALPS.
Quá trình xử lý đã loại bỏ hầu hết các chất phóng xạ bao gồm stronti và cesium nhưng để lại tritium - chất ít gây nguy hiểm cho sức khỏe con người khi ở nồng độ thấp. Nước hiện đang được chứa trong các bồn chứa thuộc khuôn viên nhà máy. Tổng cộng nước được chứa ở nhà máy Fukushima là hơn 1,25 triệu tấn.
Đơn vị điều hành nhà máy Tokyo Electric Power Company Holdings dự kiến hết công suất lưu trữ sớm nhất là vào mùa thu năm sau và chính phủ đã tìm cách để xử lý an toàn lượng nước đã qua xử lý.
"Việc thải bỏ nước đã qua xử lý là một vấn đề không thể tránh khỏi khi ngừng hoạt động nhà máy Fukushima Daiichi" - Thủ tướng Suga nhấn mạnh. Nhà lãnh đạo Nhật Bản đồng thời cho biết thêm, kế hoạch xả nước ra biển sẽ được thực hiện đồng thời với đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn.
Hồi tháng 2.2020, ủy ban của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản kết luận rằng, việc xả nước đã qua xử lý ra biển và làm bay hơi nước đều là phương án thực tế.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã ủng hộ động thái này. Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi nói rằng, đây là biện pháp đúng đắn về mặt khoa học và phù hợp với thông lệ tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp hạt nhân trên thế giới.
Theo kế hoạch của chính phủ Nhật Bản, tritium sẽ được pha loãng thành 1.500 becquerel mỗi lít, 1/40 nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản và 1/7 trong hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới đối với nước uống.
Thủ tướng Suga cho biết, IAEA và các bên thứ ba khác sẽ tham gia vào kế hoạch, đảm bảo việc xả nước thải đã qua xử lý ở Fukushima ra biển được thực hiện một cách minh bạch.
Kyodo cho hay, sẽ mất khoảng 2 năm tới khi nước đã qua xử lý thực sự được xả ra biển do nhu cầu xây dựng các cơ sở mới và tiến hành kiểm tra an toàn.