Tuy nhiên, theo hãng tin Kyodo, động thái này có thể gây nên những tranh cãi tại Nhật Bản, quốc gia có một chính sách phòng vệ đặc biệt theo Hiến pháp chủ hòa, bởi tên lửa có thể tấn công những căn cứ của kẻ thù.
Những nguồn tin này nói chính phủ đặc biệt chú ý đến tên lửa tầm xa JASSM-ER của công ty Lockheed Martin. Đây là loại tên lửa không đối đất có tầm hoạt động trên 900 km.
"Hiện nay nghĩ đến tên lửa thì tầm hoạt động càng xa càng tốt. Mục tiêu của chúng tôi sẽ là các chiến hạm trên biển" - Kyodo dẫn một nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói.
Chính phủ Nhật Bản vẫn giữ lập trường có được khả năng tấn công các căn cứ của kẻ thù theo Hiến pháp hậu chiến nếu việc này có thể được xem là một biện pháp tự vệ.
Tuy nhiên, cho đến nay Nhật Bản không chọn biện pháp trang bị cho các lực lượng phòng vệ loại tên lửa hành trình hay các loại vũ khí khác có thể tấn công lãnh thổ của một nước khác, giao vai trò này lại cho đồng minh chính là Mỹ.
Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh tại Quốc hội là chính phủ không có ý định thay đổi vai trò hiện nay với Mỹ.
Nhật Bản luôn chỉ trích các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Hôm 4.12, Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trước Quốc hội, nói rằng các vụ thử tên lửa của Triều Tiên là "mối đe dọa tiềm tàng" với Nhật Bản.
Thượng viện Nhật nhất trí thông qua một nghị quyết phản đối Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo liên lục địa rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.