Kêu gọi ngừng chiến sự Ukraina
Trong cuộc hội đàm ngày 19.3, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi xác nhận hợp tác hướng tới một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno.
Trong chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Ấn Độ, ông Kishida và ông Modi cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Ukraina và kêu gọi “chấm dứt bạo lực ngay lập tức”.
Ấn Độ và Nhật Bản là thành viên của nhóm Bộ Tứ, cùng với Mỹ và Australia. Đầu tháng này, lãnh đạo nhóm Bộ Tứ đã họp trực tuyến bất thường khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina gây ra những lo ngại mới về tình hình khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tại Campuchia, nước Chủ tịch ASEAN 2022, Thủ tướng Kishida gặp Thủ tướng Hun Sen ngày 20.3 trong khuôn khổ nỗ lực của Tokyo nhằm tăng cường hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo AP, trong tuyên bố chung, ông Kishida và ông Hun Sen đề cập tới chiến sự Ukraina, kêu gọi “ngừng ngay lập tức việc sử dụng vũ lực và rút lực lượng quân sự khỏi lãnh thổ Ukraina”. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh không đe dọa hay sử dụng mọi hình thức vũ khí hủy diệt hàng loạt trong bất kỳ trường hợp nào.
Nikkei cho hay, trong cuộc hội đàm ngày 20.3, lãnh đạo Nhật Bản - Campuchia đã nêu bật cách ASEAN đang thận trọng trong phản ứng trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina. Trong tuyên bố hồi tháng 2, các ngoại trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Ukraina.
Trong tuần này, Thủ tướng Nhật Bản Kishida sẽ thông tin tóm tắt cho các nhà lãnh đạo G-7 về cuộc gặp của ông với Thủ tướng Hun Sen và cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. "Điều quan trọng là G-7 phải có báo cáo từ Nhật Bản, thành viên Châu Á duy nhất của tổ chức này" - ông Kishida nói.
Trao đổi nhiều vấn đề khu vực
Trong tuyên bố chung về cuộc hội đàm ngày 20.3, Thủ tướng Nhật Bản Kishida và Thủ tướng Campuchia Hun Sen tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong và trên Biển Đông, cũng như phi quân sự hóa và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản - Campuchia “tái khẳng định tiếp tục hợp tác hướng tới hiện thực hóa một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Cuộc hội đàm của lãnh đạo Nhật Bản - Campuchia cũng đề cập đến tình hình ở Myanmar, trong đó hai nhà lãnh đạo kêu gọi ngừng bạo lực ngay lập tức. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi "tất cả các bên kiềm chế tối đa và bắt đầu quá trình đối thoại cho giải pháp hòa bình".
Chuyến thăm Campuchia của Thủ tướng Nhật Bản cũng diễn ra ngay trước chuyến công du 3 ngày từ 21.3 tới Myanmar của Phó Thủ tướng Campuchia Prak Sokhonn với tư cách đặc phái viên ASEAN. Campuchia đang thực hiện chính sách ngoại giao tích cực nhằm cải thiện tình hình ở Myanmar. Hồi tháng 1, ông Hun Sen đã đến thủ đô Naypyidaw để gặp Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Myanmar sau cuộc đảo chính.
Ông Kishida hoan nghênh “sự tham gia tích cực” của Campuchia trong phá vỡ thế bế tắc ở Myanmar, bày tỏ “hy vọng về kết quả tốt đẹp” trong chuyến thăm sắp tới của Phó Thủ tướng Prak Sokhonn.
Ông Kishida và ông Hun Sen cũng cam kết thúc đẩy hợp tác song phương Nhật Bản - Campuchia trong lĩnh vực an ninh khi năm nay kỷ niệm 30 năm Nhật Bản cử nhân viên Lực lượng Phòng vệ tới Campuchia. Ông Kishida đến Campuchia 3 ngày sau khi 2 tàu hải quân Nhật Bản rời Căn cứ Hải quân Ream, nơi Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản tiến hành huấn luyện rà phá bom mìn với các đối tác Campuchia. Nhật Bản đã rót hàng triệu USD cho các hoạt động rà phá bom mìn ở Campuchia. Trong những tháng gần đây, Nhật Bản cũng viện trợ 1,3 triệu liều vaccine COVID-19 cho Campuchia.