Một tuần sau khi các nhà quản lý Nhật Bản hoãn khởi động lại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới Kashiwazaki-Kariwa do sai sót về an toàn, một nhân viên bất cẩn làm việc tại nhà đã gây thêm rắc rối cho công ty.
Bloomberg đưa tin, Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) - công ty vận hành nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa ở quận Niigata của Nhật Bản - cho biết, một nhân viên đã đánh mất một số tài liệu do để chúng trên nóc ôtô.
Đây là sự cố mới nhất trong một chuỗi sự cố của công ty tiện ích này và có khả năng làm xói mòn thêm niềm tin của cơ quan quản lý đối với Tepco.
Những sai sót về an toàn và quy trình quản lý nghiêm ngặt đã ngăn Nhật Bản khởi động lại hầu hết các lò phản ứng hạt nhân bị đóng cửa sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011, trong đó có Kashiwazaki-Kariwa.
Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản - cơ quan giám sát các giao thức an toàn của 33 lò phản ứng hạt nhân còn lại của nước này - mới tuần trước đã quyết định giữ nguyên lệnh cấm nhà máy Kashiwazaki-Kariwa hoạt động trở lại, nói rằng các biện pháp phòng ngừa là không đủ.
Về sự cố mất tài liệu, Tepco cho biết, một số giấy tờ đã được người dân thu hồi, nhưng vẫn còn 38 trang chưa được tìm thấy.
Tepco đưa ra cảnh báo cho nhân viên và người quản lý, đồng thời khẳng định sẽ thực thi các quy tắc nghiêm ngặt về việc lấy tài liệu và thông tin bên ngoài.
Sau sự cố năm 2011 tại Fukushima, chính phủ Nhật Bản đã quyết định ngừng hoạt động tất cả 54 nhà máy hạt nhân thương mại để bảo trì và xem xét cấu trúc.
Đến nay, mới chỉ có 10 tổ máy được khởi động lại, và 18 tổ máy nữa dự kiến hoạt động trở lại vào năm 2030.
Cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản cũng đã công bố quyết định giữ nguyên lệnh cấm có hiệu lực đối với các hoạt động của Kashiwazaki-Kariwa. Cơ quan giám sát nhấn mạnh, việc vận chuyển nhiên liệu đến cơ sở sẽ vẫn bị cấm cho đến khi Tepco thể hiện sự tuân thủ đầy đủ với danh sách 27 lĩnh vực an toàn.
Trong khi tình hình tại hai trong số bảy tổ máy tại Kashiwazaki-Kariwa được coi là khả quan, các nhà chức trách bày tỏ lo ngại về việc quản lý nhà máy điện, đặc biệt là các biện pháp an ninh.
Theo hãng truyền thông NHK của Nhật Bản, cơ quan quản lý đã chỉ ra các điều khoản lỏng lẻo đối với những biện pháp chống khủng bố cũng như xâm nhập trái phép vào các khu vực hạn chế. Cơ quan giám sát cũng chỉ ra sự không phù hợp của thiết bị giám sát an ninh cần thiết trong trường hợp điều kiện thời tiết bất lợi.