Người Việt ở Nhật khắc khoải nhớ Tết

Phương Thúy (từ Nagano, Nhật Bản) |

Chẳng ai ngờ dịch bệnh lại kéo dài đến thế và hầu như những người Việt ở Nhật đều chuẩn bị sẵn sàng cho mình tâm thế đón Tết ở xứ người, dù mang trong lòng nỗi khắc khoải nhớ quê.

Chắp hai tay kính cẩn cúi đầu trước tượng Đức Phật uy nghiêm ở ngôi chùa Jenkoji nổi tiếng nhất Nagano (Nhật Bản), chị bỗng quay sang nhìn tôi rồi hỏi: “Cầu nguyện bằng tiếng Việt không biết Phật có hiểu không nhỉ”?

Tôi chỉ mỉm cười, thấy câu hỏi của chị sao mà đáng yêu và cũng thật chua chát. Bước sang năm thứ 3 vì dịch bệnh COVID-19, chúng tôi không thể trở về đứng trong ngôi chùa tại quê nhà cầu mong những điều tốt lành mỗi dịp năm mới.

Khắc khoải

Với tôi, đây là cái Tết thứ tư tôi không thể cùng bố mẹ và những người thân yêu đón một năm mới yên vui ở quê nhà. Hàng ngày vẫn đều đặn là những cuộc gọi hỏi thăm, vẫn nhìn thấy nhau qua màn hình Facebook, Zalo nhưng cái cảm giác mong muốn được gặp, được chạm vào người thân vẫn cháy bỏng đến thế!

Không biết bao lần mẹ bảo tôi rằng “biết đâu đến Tết hết dịch bệnh lại về được”. Nhưng chỉ là “biết đâu” mà thôi bởi cứ mỗi lần nghe tin đường bay mở cửa trở lại lòng tôi lại trào dâng hy vọng, nhưng cũng là lúc bao bộn bề lo toan.

Một người bạn của tôi trở về nước vào tháng 11 vừa qua sau 5 năm học tiến sĩ ở Nhật chia sẻ rằng, ban đầu cô ấy đăng ký chuyến bay về nước, nhưng số lượng người muốn về nước quá nhiều mà số chuyến bay lại có hạn nên phải chờ rất lâu. Thế rồi cô ấy chọn cách tự “săn” vé máy bay và sẵn sàng chấp nhận chi phí cao hơn để có thể trở về nước kịp đón năm mới cùng gia đình.

Nghe bạn nói tôi thở dài: ”Thôi xong, lại một cái Tết không về”.

Không gian đậm không khí Tết Việt. Ảnh: Phương Thuý
Không gian đậm không khí Tết Việt. Ảnh: Phương Thuý

Người em họ của tôi đang sống tại tỉnh Aichi chuẩn bị đón đứa con đầu lòng, mừng vui bao nhiêu thì em cũng lo lắng bấy nhiêu khi lần đầu làm mẹ không có ông bà hỗ trợ. Em tâm sự: ”Lúc trước, chúng em dự định 3 tháng trước khi sinh con sẽ về nước sinh rồi qua Tết con cứng cáp mới quay trở lại, vậy mà dịch bệnh triền miên thế này, mọi dự định đều dang dở”.

Có lẽ tôi không hiểu hết được nỗi lo của em bởi khi tôi sinh con vẫn ở Việt Nam và được bố mẹ hai bên hết lòng trợ giúp. Còn em lần đầu mang thai nơi xứ người, công việc của chồng vô cùng bận rộn còn bản thân em tiếng Nhật còn hạn chế, nỗi lo của em như nhân lên bội phần khi nghĩ rằng sẽ tự mình phải gồng gánh tất cả.

Cô em họ của tôi cười bảo: "Ngày dự sinh của em ngay giáp Tết, không khéo lại đón năm mới trong bệnh viện”.

Tôi đáp lại: ”Tết ở đâu cũng được em ạ, chỉ cần trong lòng mình luôn hướng về quê hương".

Tết Tây, Tết ta

Chẳng ai ngờ dịch bệnh lại kéo dài đến thế và hầu như những người Việt ở Nhật chúng tôi đều chuẩn bị sẵn sàng cho mình tâm thế đón Tết ở xứ người.

Cũng giống như Việt Nam, ở Nhật vào dịp cuối năm sẽ có ngày “Osouji” (ngày tổng vệ sinh). Người Nhật quan niệm rằng vị thần Toshigami linh thiêng nhất trong Thần đạo Shinto sẽ đến thăm nhà vào dịp năm mới. Ông mang theo may mắn và những lời cầu chúc, bảo hộ sức khỏe cho người dân. Vì thế nhà phải luôn sạch sẽ và treo shimenawa (đồ trang trí ngày Tết của người Nhật được làm bằng rơm hoặc lúa) trước cửa nhà để mời thần bước vào.

Treo shimenawa trước cửa nhà để mời thần Toshigami linh thiêng bước vào nhà. Ảnh: Phương Thuý
Treo shimenawa trước cửa nhà để mời thần Toshigami linh thiêng bước vào nhà. Ảnh: Phương Thuý

Khoảng ngày 28 dương lịch hầu như khắp nơi ở Nhật sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết. Vợ chồng tôi dành ngày 28 để nghỉ xả hơi và ngày 29 là ngày “Osouji”. Bố dọn dẹp những đồ không còn sử dụng, mẹ quét dọn nhà cửa, em bé cũng tự tay dọn dẹp đồ chơi và bàn học của mình. Cứ thể đã thành thông lệ, ngày tổng vệ sinh trở thành một ngày thật vui và ý nghĩa khi cả nhà cùng bên nhau chăm lo cho tổ ấm của mình.

Chị Vân - một người chị thân thiết với tôi từ những ngày đầu qua Nhật - kết hôn cùng chồng người Nhật và đã gắn bó với mảnh đất Obuse (tỉnh Nagano) hơn 20 năm.  Tháng 12 dương lịch với chị và cả gia đình luôn là thời gian bận rộn nhất trong năm. Từ căn nhà rộng mấy trăm mét vuông một tay chị dọn dẹp đến sắp xếp ban thờ tổ tiên, trang hoàng nhà cửa bằng những bình hoa tươi tắn, treo shimenawa trước cửa nhà, tất cả chị đều tỉ mỉ và dành trọn tâm huyết.

Chị tâm sự với tôi rằng Việt Nam là nơi chị sinh ra, nơi có cha mẹ, anh chị em thân thiết, nhưng Nhật cũng là nơi gia đình nhỏ của chị bên nhau hơn 20 năm nay nên nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai. Tết ở Nhật hay ở Việt Nam với chị đều rất quan trọng.

Tôi còn được chị kể cho nghe về phong tục đón năm mới của người Nhật. Chị bảo, mâm cơm ngày Tết không thể thiếu những món ăn truyền thống được gọi chung là Osechi (món ăn vào dịp năm mới) như bánh mochi, theo lời chị là loại bánh được đúc từ gạo nếp đã xay rồi hấp lên, và món Ozoni (món canh hầm ăn vào dịp Tết, thường ăn kèm với bánh mochi nướng).

Mâm cơm ngày Tết của người Việt ở Nagano. Ảnh: Phương Thuý
Mâm cơm ngày Tết của người Việt ở Nagano. Ảnh: Phương Thuý

Tết trong một gia đình mang hai dòng máu Việt - Nhật dường như cũng rất đặc biệt khi mâm cơm ngày cuối năm có sự góp mặt của bánh chưng - món ăn truyền thống vào dịp Tết cổ truyền của người dân Việt Nam. Chị bảo: ”Thấy bánh chưng là thấy Tết. Mọi người trong nhà chị ai cũng thích ăn bánh chưng vì khá giống với món bánh nếp của Nhật”.

Cả nhà quây quần bên mâm cơm ấm cúng cũng là thời điểm chị Vân thường dành chút thời gian để kể cho cả nhà, đặc biệt là các con về ngày Tết Việt Nam và những điểm khác biệt trong phong tục đón năm mới của hai nước Việt - Nhật. Chị nói rằng, dù các con sinh ra và lớn lên ở Nhật và hầu như không biết tiếng Việt, nhưng chị vẫn cố gắng truyền đạt một cách dễ hiểu nhất để các con có thể hiểu phần nào về cội nguồn của mẹ.

Buổi sáng đầu năm, cũng như ở Việt Nam, mọi người trong nhà gửi đến nhau những lời chúc mừng năm mới tốt lành và các cháu được ông bà tặng tiền mừng tuổi. Sau đó cả nhà cùng nhau đi lễ chùa để cầu mong một năm mới bình an cho cả gia đình.

Bà mừng tuổi cho cháu gái ngày đầu năm mới 2022. Ảnh: Phương Thuý
Bà mừng tuổi cho cháu gái ngày đầu năm mới 2022. Ảnh: Phương Thuý

Còn với tôi, ngày đầu năm mới khởi đầu cho một kỳ nghỉ để gia đình dành nhiều thời gian hơn cho nhau. Cuộc sống hàng ngày ở Nhật khá bận rộn khi các công sở thường sáng đèn đến nửa đêm, nên cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ là khoảng thời gian rất quý giá cho gia đình. Đã 3 năm liền không thể về quê ăn Tết nên chúng tôi dành kỳ nghỉ năm mới cho những chuyến du lịch, nhưng cũng vì dịch bệnh mà hầu như chuyến đi của chúng tôi chỉ gói gọn trong phạm vi địa phương mình đang sống.

Nơi tôi và gia đình đang ở là tỉnh Nagano – một trong những nơi lạnh nhất và nhiều tuyết nhất ở Nhật nên mùa đông thực sự là thời gian lý tưởng để đi trượt tuyết. Gia đình ba người của tôi đam mê môn thể thao này từ lần đầu trải nghiệm nên mỗi kỳ nghỉ năm mới cả nhà có thể đưa nhau vi vu hết bãi trượt tuyết này qua bãi trượt tuyết khác, tận hưởng cảm giác lướt trên những bông tuyết trắng mịn với tốc độ không kém đi ô tô, ngã lăn xuống nền tuyết êm như nệm rồi cùng cười sảng khoái.

Gia đình tôi và những người Việt ở Nagano cũng tạo nên một cộng đồng nhỏ để giao lưu, cùng nhau tận hưởng những chuyến du lịch, những buổi đi trượt tuyết, cắm trại và cả những thời khắc quan trọng như dịp năm mới.

Tết cổ truyền Việt Nam, dù không được về quê nhưng trong chúng tôi vẫn vẹn nguyên niềm háo hức và đã bắt đầu nung nấu những dự định để có một ngày đón Tết đúng nghĩa.

Những năm gần đây, người Việt ở Nhật ngày càng đông lên nên những cửa hàng thực phẩm Việt Nam cũng ngày một nhiều và hầu như những thứ cần thiết đều dễ dàng mua được. Tôi đã đặt cho gia đình đôi chiếc bánh chưng, một khúc giò lụa 500 gram và một hộp mứt Tết. Có thể chưa thật đầy đủ nhưng hương vị đặc trưng của Tết thì vẫn trọn vẹn.

Ngày đầu năm mới, chúng tôi thường ngồi lại với nhau trong không gian Tết Việt, với cành đào đỏ thắm được một người bạn mang từ Việt Nam qua, cùng dăm ba đôi câu đối viết bằng mực Tàu, giấy đỏ, dưới nét chữ tài hoa của cậu bạn người Bình Thuận khiến ai nấy cũng phải trầm trồ rồi “xin chữ” về treo.

Bên nồi lẩu thơm phức đang bốc hơi nghi ngút cùng đôi ba chiếc bánh chưng, đĩa nem cuốn, bát canh măng, nhâm nhi chút rượu vang và nước ngọt, chúng tôi chia sẻ với nhau về một năm vừa qua, những niềm vui hay kế hoạch dang dở vì dịch bệnh COVID-19. Và ai cũng thầm mong, biết đâu sang năm được về quê ăn Tết!

Phương Thúy (từ Nagano, Nhật Bản)
TIN LIÊN QUAN

2 lưu ý quan trọng người dân về quê ăn Tết cần thực hiện

Tường Vân |

Về quê ăn Tết có phải xét nghiệm, cách ly hay không… đang là vấn đề được người dân cả nước quan tâm trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành.

Chùa ở Nhật Bản cưu mang người Việt gặp khó

Ngọc Vân |

Sư cô Thích Tâm Trí mở ngôi chùa thứ 2 ở Nhật Bản để cưu mang người Việt gặp khó khăn do COVID-19.

Người Việt mình ở Nhật

Thạch Long |

Càng đi, càng khám phá, càng giao lưu, tôi càng nhận ra người Việt ở Nhật Bản giỏi quá, tình cảm quá. Có lẽ, việc phải căng mình tồn tại ở đây đã giúp người Việt nhận hai thứ giá trị cơ bản. Đó là tình đồng hương và tài năng của người Việt.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

2 lưu ý quan trọng người dân về quê ăn Tết cần thực hiện

Tường Vân |

Về quê ăn Tết có phải xét nghiệm, cách ly hay không… đang là vấn đề được người dân cả nước quan tâm trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành.

Chùa ở Nhật Bản cưu mang người Việt gặp khó

Ngọc Vân |

Sư cô Thích Tâm Trí mở ngôi chùa thứ 2 ở Nhật Bản để cưu mang người Việt gặp khó khăn do COVID-19.

Người Việt mình ở Nhật

Thạch Long |

Càng đi, càng khám phá, càng giao lưu, tôi càng nhận ra người Việt ở Nhật Bản giỏi quá, tình cảm quá. Có lẽ, việc phải căng mình tồn tại ở đây đã giúp người Việt nhận hai thứ giá trị cơ bản. Đó là tình đồng hương và tài năng của người Việt.