Người Việt ở Australia đón Tết giữa mùa hạ

Lily Nguyễn (Từ Brisbane, Australia) |

Cứ khi nào quê nhà chuẩn bị đón mùa xuân rực rỡ thì ở vùng đất nam bán cầu này, mùa thu sắp tới trong khi mùa hạ vẫn còn dùng dằng chẳng muốn rời chân. Vẫn nắng và nóng. Và, ở nơi đây Tết Nguyên đán - Tết truyền thống của quê hương đã về.

Tết... không nhất thiết phải lạnh!

Khi Hà Nội đón những đợt gió mùa đông bắc tràn về, đón những cơn mưa lâm thâm lạnh thấu xương, thì ở nơi tôi sống, từng hàng phượng tím đang bung nở rực rỡ, nắng đến loá cả mắt, khiến cho tôi chỉ muốn gói ghém hết những nắng ấm đó gửi về cho gia đình...

Sinh ra ở miền Bắc, tôi đã quen với một không khí Tết là đi kèm với rét mướt, là áo đơn áo kép, là biết cái cảm giác hai bàn tay, mặt mũi lạnh cóng, tê đi khi chạy xe trên phố... Nhớ làm sao những lúc xuýt xoa hơ nóng tay chân bên bếp lửa nấu bánh chưng, hít hà mùi ấm cúng của canh bóng bì, của nem rán toả ra trong bếp…

Mâm cơm đón Tết của người Việt tại Australia. Ảnh: Quỳnh Anh
Mâm cơm đón Tết của người Việt tại Australia. Ảnh: Quỳnh Anh

Nhớ làm sao những ngày giáp Tết, dường như cả thế giới đều lười biếng. Tôi nằm trên giường, thò một bàn chân ra khỏi chăn, nghe cái lạnh ôm trọn bàn chân nên lại thụt vào, và cứ nằm đó lắng nghe tiếng mẹ nấu lanh canh dưới bếp, tiếng bà hàng xóm đi chợ về đang đứng hỏi thăm ông tổ trưởng chuẩn bị Tết nhất tới đâu, tranh thủ khoe từ chuyện ra chợ mua được cặp giò ngon, cây đào đẹp, hay chuyện con cái học hành giỏi giang, rồi lại chúc nhau một năm mới sung túc... Cái không khí hồ hởi, háo hức đó làm tôi phải bật dậy, chạy xuống bếp giúp mẹ mang mấy bát bún gà nóng hổi, thơm phức.

Tết nào mẹ cũng đưa cho tôi một danh sách những việc cần làm, trong đó có nhiệm vụ mua hoa về cắm trang trí khắp năm tầng lầu. Đây là nhiệm vụ tôi thích nhất nên ăn sáng xong, tôi đạp xe ngay ra chợ hoa.

Chợ hoa ở rất gần nhà. Tôi cứ thế quần áo thể thao mà “cưỡi” con xe đạp mini chạy ra chợ mua hoa. Thật không ngoa khi nói chợ hoa là hội tụ của tất cả những gì "Tết" nhất. Bước qua cổng chợ đầy những hoa đào, hoa mai và quất, tôi bước vào trong khung cảnh chợ hoa náo nhiệt và đầy màu sắc. Tôi bị lây sự háo hức, gặp hàng nào cũng mua, mua cho đầy ắp hoa đến không còn chỗ để, phải buộc hết ở yên xe.

Cũng như mọi đứa trẻ khác, tôi đã vô tư mặc định rằng những sung sướng đó sẽ không bao giờ kết thúc. Tôi điềm nhiên tận hưởng nó, cứ như nó sẽ là vĩnh viễn, để đến khi giật mình nhận ra nó đã qua, thì thật ra nó đã quá xa rồi. Một chớp mắt đã hơn 10 năm, tôi đã đi qua từng dấu mốc trên chặng đường dài: Tốt nghiệp, đi làm, định cư, mua nhà, trở thành mẹ của hai đứa trẻ và cầm trong tay cuốn hộ chiếu Australia.

Đã rất nhiều năm tập làm quen với Tết xa nhà, và với việc "đón Tết giữa mùa hè", tôi vẫn không thôi quay quắt nhớ cái cảm giác mưa phùn gió bấc, nhớ cái đêm 30 trời tối đen như mực, nhớ bếp củi lửa của những người nông dân bán hoa nhóm lên giữa chợ lúc 5 giờ sáng, quán trà ấm cúng mở cửa từ mồng Hai - nơi tôi và các em rủ nhau trốn việc nhà ra ngồi chơi cá ngựa...

Ảnh: Quỳnh Anh
Thực phẩm ở Australia không thiếu, nhưng thiếu không khí Tết quê nhà. Ảnh: Quỳnh Anh

Australia gần Việt Nam, thổ nhưỡng khí hậu tương tự, cái gì không trồng được thì cũng nhập được, nên về thực phẩm đâu thiếu thứ gì. Nhưng không hiểu sao cái miếng mứt gừng đó, quả ô mai đó, hạt dưa đỏ...nó cứ không “ăn rơ” với cái thời tiết nóng 38, 39 độ bên ngoài, cứ có gì đó "không phải Tết".

Hay bởi vì tôi cứ cố chấp không chịu buông những ký ức của mình về Tết quê nhà? Chỉ biết là, khi ở xa, tôi thèm đủ món, đến nỗi tôi phải đặt mua nào măng khô, nào ô mai, trà, mứt... từ Việt Nam gửi sang, thế nhưng chỉ cần bước chân về đến Việt Nam là tôi lại chẳng còn cái cảm giác thèm quay quắt ấy nữa. Phải chăng, những món bánh mứt kia chỉ là để lấp đầy nỗi nhớ quê? Phải chăng chỉ cần về đến quê hương là đã quá đủ rồi?

Người Việt ở Australia háo hức đón Tết. Ảnh: Quỳnh Anh
Người Việt ở Australia háo hức đón Tết. Ảnh: Quỳnh Anh
Người Việt ở Australia háo hức đón Tết. Ảnh: Quỳnh Anh

Ai cũng đã xa nhà quá lâu

Dẫu không phải năm nào cũng được về quê ăn Tết, nhưng những năm trước kia, năm nào tôi cũng về Việt Nam. Bố mẹ tôi thường tấm tắc khen: "Nước Úc gần, thoắt cái nó lại về, sướng thật!"

Thế mà kể từ 2019 đến nay, giống như rất nhiều người trên quả địa cầu này, đây là thời gian xa quê lâu nhất tôi từng trải qua. Ngay cả đứa con 7 tuổi của tôi cũng nhắc: "Lâu lắm rồi mình không về Việt Nam thăm ông bà ngoại mẹ nhỉ!". Ừ, dịch bệnh cứ hết lên lại xuống, tôi cứ phải tự nhủ rằng mình và gia đình còn mạnh khoẻ là may mắn lắm rồi.

Nơi tôi ở là thành phố Brisbane, thủ phủ của tiểu bang Queensland. Suốt những năm dịch bệnh vừa qua, tiểu bang Queensland nổi lên là nơi kiểm soát dịch quá tốt, với chỉ 1-2 ca nhiễm mới mỗi ngày và rất nhiều ngày không có ca nhiễm mới nào trong gần một năm nay.

Gần đây, do tỉ lệ tiêm chủng của người dân đã đạt mức 90%, chính quyền tiểu bang Queensland đã thực hiện lời hứa mở cửa biên giới cho hành khách cả trong nước và nước ngoài. Không nằm ngoài dòng chảy thời sự, cộng đồng người Việt ở thành phố tôi ở liên tục cập nhật cho nhau về các quy định cách ly, các lưu ý khi di chuyển giữa các tiểu bang, cách xin visa thăm thân cho gia đình, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam, các gói vé máy bay, từng đường đi nước bước cho người từ Australia bay về Việt Nam, người từ Việt Nam bay sang Australia, hay người ở Australia muốn di chuyển nội địa...

Lớp học tiếng Việt trực tuyến của thầy trò người Việt ở Australia. Ảnh: Quỳnh Anh
Lớp học tiếng Việt trực tuyến của thầy trò người Việt ở Australia. Ảnh: Quỳnh Anh

Các thông tin mới nhất đều được cập nhật và chia sẻ từ A đến Z trên các trang hội nhóm người Việt. Những bài viết này luôn nhanh chóng nhận được hàng trăm phản hồi, chia sẻ, thắc mắc. Có thể thấy được niềm mong mỏi tha thiết của người Việt sau khoảng thời gian xa quê quá lâu. Việc mở cửa biên giới và sự rục rịch khởi động của các hãng máy bay đang nhen lên niềm hy vọng và sự mừng vui của những gia đình mong ngày đoàn tụ.

Tết bình thường mới

Lại cũng như mọi năm, dù không được về Việt Nam ăn Tết, tôi và bạn bè - những gia đình có con nhỏ đã lên kế hoạch tụ tập, cùng nấu những món cổ truyền Việt Nam, cùng tổ chức hoạt động và trò chơi cho các con, xúng xính áo dài và chụp những tấm hình kỷ niệm.

Đã rất lâu rồi các con không được về thăm quê hương, nhưng không vì thế mà cha mẹ chúng quên gìn giữ văn hoá và ngôn ngữ Việt. Những câu chúc ông bà "sống lâu trăm tuổi" được cha mẹ dạy học thuộc lòng, những giọng nói trọ trẹ dễ thương của đám trẻ con "nói tiếng Việt còn phải dừng lại nghĩ", những tấm ảnh và lời nhắn mang đầy nỗi nhớ nhung của những đứa con xa quê... vẫn được gửi đi mỗi ngày qua email và mạng xã hội.

Mẹ tôi ngày ngày gửi cho tôi hình ảnh sân vườn nhà mình, và những quả mít lúc lỉu chờ chúng tôi về hái. Bố tôi thì suốt ngày nhắc chuyện cho các cháu ngoại về đi chơi, lên rừng xuống biển ông chiều hết. Chúng tôi thì hẹn khi nào ông bà sang, sẽ đưa ông bà đi du thuyền, sẽ ngồi ăn tối bên dòng sông Brisbane, sẽ chở ông bà đi thăm thú những nơi đẹp nhất...

Ảnh lớp học tiếng Việt của thầy trò người Việt trên đất Úc. Ảnh: Quỳnh Anh
Học tiếng Việt ở Australia. Ảnh: Quỳnh Anh

Hai đầu Việt - Úc cứ suốt ngày dằn lại những kế hoạch, những dự định tốt đẹp nhất, để dành cho nhau ngày gặp lại. Và tôi biết điều ông bà ngoại bọn trẻ mong mỏi nhất bây giờ chỉ là sốt sắng ra sân bay đón và được ôm đám con cháu vào lòng mà thôi!

Tết đã đến rất gần với mỗi gia đình Việt. Điều mà có lẽ nhiều người cầu mong nhất trong năm nay có lẽ là bình an và đoàn viên. Chúng ta có quyền tự hào rằng mình đã rất nhẫn nại, rất vững vàng, đã thích nghi rất tốt trong từng hoàn cảnh, kể từ cuối năm 2019 đến nay.

Sự bình thường mới đang đến, tôi mong rằng người Việt ở năm châu sẽ sớm đoàn tụ, và lại cùng nhau đón một cái Tết thật ấm áp bên gia đình. Tôi tin rằng khi mọi thứ trở lại, người Việt nói riêng và nhân loại nói chung, sẽ trân trọng hơn bao giờ hết mọi thứ chúng ta có, kể cả điều đơn giản nhất.

Lily Nguyễn (Từ Brisbane, Australia)
TIN LIÊN QUAN

Hàng chục triệu người Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan: Tết về hay ở?

Khánh Minh |

Hàng chục triệu lao động Trung Quốc làm việc ở các thành phố lớn đang phải đau đầu quyết định có nên về quê vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới hay không.

Thế giới năm 2022: Tín hiệu lạc quan và triển vọng tốt đẹp

Ngạc Ngư |

Thế giới năm nào cũng vậy, chưa hết quan ngại và lo âu nhưng vẫn có cơ sở để lạc quan về triển vọng tốt đẹp hơn.

Đón năm mới 2022 với những phong tục mang lại may mắn khắp thế giới

Nguyễn Hạnh |

Dưới đây là những truyền thống, phong tục đón giao thừa, đón năm mới đặc trưng của nhiều nước trên thế giới.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Hàng chục triệu người Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan: Tết về hay ở?

Khánh Minh |

Hàng chục triệu lao động Trung Quốc làm việc ở các thành phố lớn đang phải đau đầu quyết định có nên về quê vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới hay không.

Thế giới năm 2022: Tín hiệu lạc quan và triển vọng tốt đẹp

Ngạc Ngư |

Thế giới năm nào cũng vậy, chưa hết quan ngại và lo âu nhưng vẫn có cơ sở để lạc quan về triển vọng tốt đẹp hơn.

Đón năm mới 2022 với những phong tục mang lại may mắn khắp thế giới

Nguyễn Hạnh |

Dưới đây là những truyền thống, phong tục đón giao thừa, đón năm mới đặc trưng của nhiều nước trên thế giới.