Reuters đưa tin, kết quả được đưa ra dựa trên dữ liệu tổng hợp từ 21 nghiên cứu trước đó được thực hiện ở Châu Âu, Châu Á, Australia và Nam Mỹ. Báo cáo tổng hợp đã được công bố hôm 13.3 trên trang medRxiv - trang web chuyên đăng tải các nghiên cứu y học chưa được bình duyệt.
Trong tổng số 80.071 trẻ em mắc COVID-19 trong các nghiên cứu, khoảng 25% phát triển di chứng hậu COVID-19 trong ít nhất từ 4 đến 12 tuần hoặc các triệu chứng dai dẳng mới kéo dài trong vòng 12 tuần.
Các vấn đề thường gặp nhất là tâm thần kinh (các triệu chứng tâm trạng, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, đau đầu, thay đổi nhận thức, chóng mặt, các vấn đề về thăng bằng), tim mạch (khó thở, tắc nghẽn, không thể tập thể dục, đau và tức ngực, ho, nhịp tim không đều), vấn đề liên quan đến da (đổ mồ hôi nhiều, ngứa ngáy, rụng tóc) và tiêu hóa (đau bụng, táo bón, tiêu chảy, nôn và buồn nôn).
Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng các phân tích dữ liệu được tổng hợp từ nhiều nghiên cứu khác nhau với các phương pháp luận khác nhau không thể mang lại kết luận chắc chắn. Tuy nhiên, điều rõ ràng là "trẻ em và thanh thiếu niên cũng phải chịu những hậu quả về sức khỏe thể chất và tinh thần do COVID-19" - đồng tác giả nghiên cứu Sonia Villapol thuộc Viện Nghiên cứu Phương pháp Houston ở Texas, Mỹ lưu ý.
Bà cho rằng, việc xác định các dấu hiệu và triệu chứng chính của di chứng hậu COVID-19 ở trẻ em có thể giúp chẩn đoán, phát triển các phương pháp điều trị tốt hơn, tạo ra các nhóm đa ngành để quản lý lâm sàng tối ưu và tìm ra các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa.