Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã có một cuộc điện đàm ngày 21.4, bộ phận báo chí của Điện Kremlin cho biết.
Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận nhiều vấn đề khác nhau, từ hợp tác trên thị trường dầu mỏ đến nỗ lực giải quyết “các cuộc khủng hoảng khu vực” ở Trung Đông.
“Các bên đã thảo luận một số chủ đề chính trong chương trình nghị sự song phương, với trọng tâm là mở rộng hơn nữa các mối quan hệ cùng có lợi trong thương mại, hợp tác kinh tế, đầu tư và năng lượng" - thông cáo của Điện Kremlin nêu rõ.
Theo Điện Kremlin, 2 bên “bày tỏ sự hài lòng với mức độ phối hợp tại OPEC+ nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường dầu mỏ toàn cầu” và cho biết, “triển vọng hợp tác giữa Saudi Arabia và khối BRICS cũng đã được trao đổi".
Liên minh OPEC+ hình thành năm 2016 do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) với sự dẫn dắt của Saudi Arabia và một nhóm các nhà sản xuất dầu lớn khác do Nga dẫn đầu thành lập.
Đầu tháng 4 năm nay, một số nhà sản xuất hàng đầu trong nhóm OPEC+ đã công bố tự nguyện hạn chế thêm 1,16 triệu thùng dầu mỗi ngày bắt đầu từ tháng 5 cho đến cuối năm 2023.
Việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ được triển khai trong bối cảnh sản lượng của Nga giảm 500.000 thùng/ngày và mục tiêu sản xuất giảm 2 triệu thùng/ngày có hiệu lực kể từ tháng 11 năm ngoái. OPEC+ nhận định, động thái này là cần thiết để bảo vệ thị trường dầu mỏ khỏi biến động.
Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng, những diễn biến trên có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt nguồn cung dầu và đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Ngoài trao đổi về vấn đề dầu mỏ, ông Putin và ông bin Salman cũng đã thảo luận về những nỗ lực hòa giải ở Trung Đông, Điện Kremlin cho biết. Tuy nhiên, Điện Kremlin không nêu rõ những điểm nóng nào ở khu vực đã thảo luận.
“Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về các diễn biến ở Trung Đông trong bối cảnh những nỗ lực mà Nga và Saudi Arabia đang tham gia để giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực" - thông cáo cho biết.
Theo RT, trong những tuần gần đây, đã có những dấu hiệu cho thấy, một số cuộc xung đột kéo dài trong khu vực, đặc biệt là ở Yemen và Syria, có thể sắp kết thúc thông qua nỗ lực ngoại giao của các bên khác nhau.
Đầu tháng 4, Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad có chuyến thăm Saudi Arabia - chuyến công du đầu tiên kể từ khi Riyadh cắt quan hệ ngoại giao với Damascus năm 2012. Sau chuyến thăm, Saudi Arabia đã công khai ủng hộ sự thống nhất và toàn vẹn của Syria, đồng thời ủng hộ giải pháp chính trị cho cuộc chiến kéo dài 12 năm ở Syria.
Tháng trước, Trung Quốc làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran nhằm bình thường hóa quan hệ.