Xuất khẩu dầu của Nga bằng đường biển sẽ tiếp tục chỉ vài tuần sau khi Mátxcơva áp đặt lệnh cấm hoàn toàn khiến giá năng lượng tăng vọt trên toàn thế giới.
Tờ Politico đưa tin, trong một tuyên bố ngày 6.10, chính phủ Nga xác nhận “đã dỡ bỏ các hạn chế đối với việc xuất khẩu dầu diesel được vận chuyển đến các cảng bằng đường ống”.
Nga tạm dừng xuất khẩu nhiên liệu vào ngày 21.9 nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt trên thị trường nội địa khiến người Nga phải xếp hàng chờ mua xăng dù nước này có ngành công nghiệp lọc dầu khổng lồ.
Chính phủ cho biết vào thời điểm đó: “Các hạn chế tạm thời sẽ giúp bão hòa thị trường nhiên liệu, từ đó sẽ giảm giá cho người tiêu dùng”.
Do giá dầu bị giới hạn trong nước, các doanh nghiệp đã xuất khẩu nhiều hơn ra nước ngoài và thu được số tiền cao hơn nhiều, gây thiệt hại cho nguồn cung ở quê nhà.
Trong nỗ lực ngăn chặn cái gọi là “xuất khẩu xám” này, Nga sẽ áp dụng mức thuế quá mức (windfall tax) là 50.000 rúp (495 USD) mỗi tấn doanh thu từ các sản phẩm dầu mỏ bán lại.
“Vì vậy, sau khi các hạn chế hiện tại được dỡ bỏ, chính phủ sẽ ngăn chặn nỗ lực của các đại lý mua nhiên liệu để xuất khẩu” - tuyên bố của Nga cho biết.
Trong khi các quốc gia bao gồm Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng đáng kể nhập khẩu dầu thô của Nga và xuất khẩu dầu tinh chế sang thị trường toàn cầu để tránh lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của EU, việc thắt chặt nguồn cung đã khiến giá dầu đạt mức 100 USD/thùng trong những tuần gần đây.
Trong khi đó, mặc dù doanh thu từ ngành dầu khí quan trọng của Nga gần như giảm một nửa vào đầu năm nay do các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá trần nhiên liệu của G7+, doanh thu đã tăng lên trong những tháng gần đây, chỉ riêng trong tháng 9 đã tăng khoảng 15%.
Các kế hoạch chi tiêu cho thấy Điện Kremlin có ý định tăng chi tiêu quốc phòng lên 1/3 tổng ngân sách đất nước vào năm 2024.