Cựu tài chính gia Phố Wall, ông Michael Hudson, nhận định với tờ báo Đức Junge Welt rằng, cuộc chiến kinh tế do phương Tây phát động chống lại Nga đã phản tác dụng và có thể mang lại nhiều điều tốt đẹp cho Mátxcơva.
“Các biện pháp trừng phạt của phương Tây là điều tuyệt vời với Nga. Bất kỳ quốc gia nào bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ đều buộc phải tự cung tự cấp” - ông Hudson nói. Các lệnh trừng phạt đã thúc đẩy Nga tiến tới thay thế hàng nhập khẩu một cách hiệu quả và nước này đang trên đường trở nên hoàn toàn không phụ thuộc vào hàng hóa phương Tây.
“Thay vì nhập khẩu ôtô của Đức, Nga đang chuyển hướng sang Trung Quốc để phát triển ngành công nghiệp ôtô của riêng mình. Nga đang tiến rất nhanh để thay thế sự phụ thuộc vào hàng hoá phương Tây bằng sản xuất trong nước của chính quốc gia này. Những thứ duy nhất mà họ không thể sản xuất là phim của Walt Disney và túi xách của Italia” - nhà kinh tế Mỹ nói.
Theo cựu tài chính gia Phố Wall, mặc dù Nga khó có thể sản xuất hàng loạt một số mặt hàng xa xỉ mà nước này từng nhập khẩu, nhưng nền kinh tế của Nga sẽ trở nên tự chủ phần lớn.
Ông Hudson cũng lưu ý, các biện pháp trừng phạt tuy nhằm mục đích làm giảm lợi nhuận của Nga từ xuất khẩu năng lượng, nhưng thay vào đó "đã mang lại nguồn thu bổ sung cho ngân sách nhà nước Nga”.
“Nga là nước hưởng lợi lớn từ các kế hoạch cấm vận năng lượng của Đức. Nga càng bán ít khí đốt thì càng kiếm được nhiều tiền” - ông Hudson nói, đề cập đến việc giá năng lượng tăng vọt, tỉ lệ nghịch với sự sụt giảm xuất khẩu của Nga.

Các biện pháp trừng phạt nhắm vào nền kinh tế Nga cũng không gây mất ổn định đồng rúp - đồng tiền quốc gia của Nga - và đã thúc đẩy quá trình phi đô la hóa, nhà phân tích cho biết.
“Ngay cả trước cuộc chiến ở Ukraina, đã có những nỗ lực loại bỏ đồng USD ở Nga, nhưng không ai nghĩ quá trình này bắt đầu nhanh như vậy. Mỹ đã đóng băng tất cả các tài khoản bằng USD và euro, vì vậy Nga phải thoát ra khỏi hệ thống đồng USD. Và đây là điều đã giúp đồng rúp của Nga.
Ý định đằng sau các lệnh trừng phạt của phương Tây là làm sụp đổ đồng rúp để làm cho hàng hóa nhập khẩu của Nga trở nên đắt hơn… Thay vào đó, chính phủ Nga đã phản bác và quyết định: Nếu chúng tôi không được trả bằng đồng euro và USD cho dầu, khí đốt, titan và nhôm, phương Tây sẽ phải trả bằng đồng rúp. Và vì vậy đồng rúp đã tăng giá trị. Công bằng mà nói, phương Tây đã tự bắn vào chân mình”.
Tuy nhiên, ông Hudson lưu ý, “người hưởng lợi lớn nhất” của việc Nga phải hứng chịu các lệnh trừng phạt là Mỹ. Điều này là do Châu Âu - khu vực phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng của Nga - đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng nhiên liệu và lương thực, do đó khiến Châu Âu ít có khả năng chú ý đến các vấn đề khác.
“Về cơ bản, Washington không quan tâm đến việc Nga có thắng trong cuộc chiến ở Ukraina hay không, bởi vì Mỹ đã thành công trong việc loại bỏ sự cạnh tranh của mình ở Châu Âu, đặc biệt là Đức” - ông Hudson nhận định.