RT dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo giới hôm 15.9 rằng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) bao gồm cả Nga và Trung Quốc. Theo ông Peskov, “tất cả các mối quan hệ trong SCO đều được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lợi ích của nhau và cùng có lợi”.
“Không ai đặt mục tiêu biến SCO trở thành tổ chức thay thế cho một khối quân sự. SCO là tổ chức nhân danh tình bạn chứ không phải chống lại ai đó” - ông Peskov nói.
Quan hệ giữa Mátxcơva và phương Tây đang ở mức thấp nhất mọi thời đại sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina. Khi NATO tiếp tục mở rộng về phía đông và các nước thành viên áp đặt trừng phạt Mátxcơva, Nga khẳng định bất kỳ nỗ lực nào nhằm cô lập nước này đều sẽ thất bại.
Các tổ chức quan trọng mà Nga là thành viên - chẳng hạn như BRICS và SCO - cũng đang mở rộng. Iran và Argentina chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS vào cuối tháng 6. Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đã thể hiện sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS - khối gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh SCO ở Samarkand, Uzbekistan, Tổng Thư ký SCO Zhang Ming cho biết nhiều nước đang “xếp hàng dài” xin gia nhập tổ chức này. Ngày 15.9, SCO đã ký một nghị định thư với Iran, mở đường cho Tehran gia nhập đầy đủ.
SCO bao gồm 40% dân số thế giới và hơn 30% GDP toàn cầu. Tổ chức hiện có 8 thành viên đầy đủ: Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Pakistan và Uzbekistan. Belarus và Iran đang trong quá trình gia nhập SCO và có tư cách quan sát viên, cùng với Afghanistan và Mông Cổ.
Hôm 13.9, điều phối viên SCO quốc gia của Uzbekistan, Rakhmatulla Nurimbetov, tiết lộ rằng sáu quốc gia sẽ nhận được tư cách là đối tác đối thoại trong hội nghị thượng đỉnh.
SCO sẽ mở rộng tại hội nghị thượng đỉnh ở thành phố Samarkand của Uzbekistan - Tổng thống Shavkat Mirziyoyev của nước chủ nhà cũng cho biết.
Trong một bài báo đăng trên trang web chính thức hôm 12.9, ông Mirziyoyev bày tỏ tin tưởng rằng Hội nghị thượng đỉnh SCO từ ngày 15 đến ngày 16.9 sẽ “đánh dấu sự ra đời một giai đoạn mới” trong lịch sử của tổ chức.
“Số lượng thành viên của SCO sẽ tăng lên, chương trình nghị sự trong tương lai sẽ được hình thành, và điều này mang tính biểu tượng cao” - nhà lãnh đạo của quốc gia Trung Á viết.
Tổng thống Mirziyoyev tin rằng hội nghị SCO ở Samarkand sẽ được ghi nhớ vì sự ra mắt của “một cơ chế đối thoại mới, bao trùm”.
“Trong một thế giới đang chịu khủng hoảng lòng tin sâu sắc và đối đầu địa chính trị, SCO nên trở thành một cực thu hút không có ranh giới, vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ" - ông Mirziyoyev nhấn mạnh
Tổng thống Uzbekistan tin rằng, một trong những mục tiêu chính của SCO là mở rộng hợp tác với Afghanistan, thực hiện sứ mệnh hòa bình mới là kết nối Trung và Nam Á.
Belarus là quốc gia mới nhất đăng ký làm thành viên SCO. Hồ sơ của Belarus đã được Đặc phái viên của Tổng thống Nga về các vấn đề SCO, ông Bakhtiyor Khakimov công bố vào tháng 6 năm nay.