Hàng chục công ty đang trong giai đoạn đầu nghiên cứu hoặc đang thử nghiệm về vaccine và thuốc điều trị COVID-19. Trong đó có hãng dược Inovio, Johnson & Johnson, Moderna, Sanofi + GSK, Đại học Oxford và Viện Vũ Hán...
"Nếu muốn hoàn thành trong khung thời gian 18 tháng, một cách để đạt được điều đó là đưa càng nhiều ứng viên vào đường đua càng tốt" - bác sĩ Peter Hotez - Hiệu trưởng trường Y học nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor ở Texas, chia sẻ với New York Times.
BioWorld cho hay, ít nhất 254 liệu pháp điều trị và 95 loại vaccine ngừa COVID-19 được phát triển. Dù con số này có thể mang tới hi vọng nhưng đáng lưu ý là 90% thuốc hoặc vaccine trải qua các thử nghiệm lâm sàng không được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận.
Có nhiều nguyên nhân cho con số này, ví dụ người thử nghiệm không có phản ứng như khi thử trên động vật, chọn liều lượng không thích hợp và phân tích dữ liệu không đúng cách.
New York Times lưu ý, hầu hết các vaccine, từ nghiên cứu học thuật đến sẵn có trên thị trường, đều mất từ 10 năm trở lên. Ví dụ, mũi tiêm Pediarix - kết hợp DTaP (vaccine kết hợp chống bạch hầu, uốn ván và ho gà), viêm gan B và IPV (bại liệt) - mất khoảng 10 năm để phát triển. Một mũi vaccine HPV ngừa ung thư cổ tử cung mất khoảng 15 năm và tiêm phòng thủy đậu mất 28 năm.
Vaccine thường mất nhiều thời gian vì có một số bước để đi từ nghiên cứu đến đưa ra thị trường.
Sau khi nghiên cứu học thuật, các nhà khoa học thực hiện các thử nghiệm tiền lâm sàng để xem xét, thu thập dữ liệu về tính khả thi, thử nghiệm và tính an toàn.
Sau đó, có 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng: Giai đoạn I kiểm tra một vài người và xem xét liệu vaccine có an toàn không, Giai đoạn II thử nghiệm cho khoảng 100 người để xem vaccine có hiệu quả không, và cuối cùng là Giai đoạn III thử nghiệm trên vài trăm đến vài nghìn người.
Giữa 3 giai đoạn này thường mất nhiều tháng.
Từ đó, các công ty bắt đầu xây dựng các nhà máy và sản xuất, phụ thuộc vào sự chấp thuận của FDA, cho đến cuối cùng khi vaccine sẵn sàng để phân phối.
"Nếu chúng ta làm theo cách thông thường, sẽ không có cách nào để đạt được mốc thời gian 18 tháng đó" - Tiến sĩ Akiko Iwasaki - giáo sư sinh học miễn dịch tại Đại học Y Yale và là điều tra viên của Viện Y khoa Howard Hughes cho hay.
Theo New York Times, có một vài cách để đẩy nhanh thời gian, ví dụ như bắt đầu một số công đoạn từ ngay bây giờ trước khi các bước tuần tự được hoàn tất. Cụ thể, có thể bắt đầu xây dựng các nhà máy từ bây giờ để ngay khi vaccine được FDA phê chuẩn có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt ngay.
Một cách khác là kết hợp các giai đoạn như thực hiện Giai đoạn I và Giai đoạn II của thử nghiệm lâm sàng cùng lúc.
Phương pháp thứ ba là đảm bảo rằng các nhân viên tuyến đầu và các lao động thiết yếu được tiêm phòng trước những người khác. Đó là những gì Đại học Oxford, Anh, dự định thực hiện vào tháng 9 này nếu vaccine của họ phát triển cho kết quả thử nghiệm thành công vào mùa hè này.