Bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng
Đôi khi được mô tả là “siêu xa lộ thông tin của thế giới”, cáp ngầm dưới biển mang hơn 95% dữ liệu quốc tế. So với vệ tinh, cáp ngầm biển cung cấp các kết nối có dung lượng cao, tiết kiệm chi phí và đáng tin cậy, rất quan trọng đối với cuộc sống hằng ngày. Có khoảng hơn 400 dây cáp đang hoạt động trên toàn thế giới với chiều dài 1,3 triệu kilômét.
Vấn đề bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng dưới biển, cơ sở hạ tầng ngoài khơi, là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong buổi họp báo trước cuộc họp ngày 14.2, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 14.2 cho biết: “Chúng tôi nhận thấy các tuyến cáp, đường ống dẫn khí dưới biển rất dễ bị tổn thương và điều quan trọng là chúng ta phải phối hợp nhiều nỗ lực hơn nữa để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng”.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh, NATO đã nghiên cứu vấn đề này trong nhiều năm và đang đưa vấn đề lên một tầm cao mới. Theo đó, NATO quyết định thành lập một cơ quan điều phối mới tại trụ sở NATO, để lập bản đồ các vị trí dễ bị tấn công và liên hệ với ngành công nghiệp liên quan nhằm “hỗ trợ các nỗ lực ngăn chặn và chống lại các mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng trọng yếu, bao gồm cả cáp và đường ống dưới biển”. Các biện pháp tiếp theo sẽ được quyết định tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania vào tháng 7.
Tháng 10.2020, các Bộ trưởng Quốc phòng NATO nhận được một báo cáo mật về nguy cơ các tuyến cáp biển xuyên Đại Tây Dương bị tấn công, khiến NATO phải tăng cường tập trung vào lĩnh vực này. Năm 2021, chuyên gia Pierre Morcos của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho hay, NATO đã tăng cường nhận thức về tầm quan trọng và tính dễ bị tổn thương của các tuyến cáp quang biển xuyên Đại Tây Dương, đặc biệt là ở Bắc Đại Tây Dương. Theo ông Morcos, việc đứt cáp về mặt vật lý có thể dẫn đến hậu quả là cắt đứt liên lạc của quân đội hoặc chính phủ trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, loại bỏ khả năng truy cập Internet của nhóm dân số mục tiêu, phá hoại đối thủ cạnh tranh kinh tế hoặc gây gián đoạn kinh tế vì lý do địa chính trị.
Một mối đe dọa khác đối với các tuyến cáp là ghi, sao chép và đánh cắp dữ liệu, dữ liệu này sau đó sẽ được thu thập và phân tích cho hoạt động gián điệp. Morcos tin rằng, điều này rất khó nhưng vẫn có thể thực hiện được. Cuối cùng là mối đe dọa tấn công mạng, gây hậu quả gián đoạn luồng dữ liệu.
NATO hy vọng, cơ quan điều phối mới của tổ chức này, cùng với các nỗ lực quốc tế và khu vực khác, có thể tăng cường khả năng bảo vệ và khả năng phục hồi cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng này.
Tăng chi tiêu quốc phòng
Một trong những vấn đề gai góc của cuộc họp lần này là tăng chi tiêu quốc phòng, theo Bloomberg. Các nước NATO đã cam kết chi nhiều hơn cho quốc phòng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào năm ngoái, nhưng nhiều quốc gia - bao gồm: Luxembourg, Canada và Italia - vẫn đang chật vật để thực hiện cam kết chi 2% GDP theo mức sàn của NATO. Và thậm chí đó có thể là một cuộc đấu tranh khó khăn, đặc biệt là khi các nền kinh tế phải gánh chịu giá lương thực và năng lượng cao.
Các cuộc thảo luận diễn ra khi NATO đang lên kế hoạch đại tu toàn bộ hệ thống phòng thủ, thiết lập một mô hình lực lượng mới gồm 300.000 binh sĩ luôn đặt trong tình trạng báo động cao và xây dựng các lữ đoàn luân phiên để bảo vệ sườn phía đông, tất cả đều sẽ cần đầu tư bổ sung.
Với việc Ba Lan đã lên kế hoạch chi 4% GDP cho quốc phòng, các đồng minh NATO có thể phải đối mặt với áp lực từ các quốc gia phía đông để tăng cường chi tiêu hơn nữa. Nhưng một con số cao hơn có thể vấp phải sự phản đối từ các quốc gia nhỏ hơn, những quốc gia có thể gặp khó khăn trong việc tìm cách chi tiêu tiền mặt. Theo một nhà ngoại giao cấp cao của Châu Âu, mặc dù các nước đồng thuận rằng cần phải tăng chi tiêu quốc phòng nhiều hơn, thì một trong những câu hỏi lớn là tăng nhanh thế nào so với tăng lương hưu hoặc tăng chi khác.
Tại cuộc họp ở Brussels tuần này, các Bộ trưởng Quốc phòng NATO cũng dự kiến sẽ phê duyệt hướng dẫn mới, trong đó đặt ra các yêu cầu đầu tư cho các đồng minh để chuẩn bị cho bất kỳ hoạt động quân sự tiềm tàng nào trong tương lai. Một quan chức cao cấp của NATO cho biết, các đồng minh NATO sẽ được yêu cầu chuyển hướng đầu tư sang những khả năng cần thiết cho phòng thủ tập thể, chẳng hạn như lực lượng mạnh hơn, phòng thủ tên lửa và phòng không nhiều hơn... Sau khi hướng dẫn được thông qua, bộ chỉ huy quân sự của NATO sẽ nêu chi tiết các yêu cầu đối với từng đồng minh trong những tháng tới.