NASA đang nỗ lực để cứu kính viễn vọng không gian Hubble, sau khi một sự cố máy tính bí ẩn khiến nó phải tạm dừng hoạt động vào tuần trước.
Hubble được phóng vào không gian vào năm 1990 và ngay lập tức bắt đầu chụp vũ trụ với các bức ảnh mang tính cách mạng. Đài quan sát quay quanh Trái đất đã ghi lại hình ảnh sự ra đời và cái chết của các ngôi sao, phát hiện ra các mặt trăng mới xung quanh sao Diêm Vương và theo dõi hai vật thể giữa các vì sao khi chúng chạy qua Hệ Mặt trời.
Hubble đã giúp các nhà thiên văn tính toán tuổi và sự giãn nở của vũ trụ. Nó phát hiện ra các thiên hà cách xa hơn 13,4 tỉ năm ánh sáng, do đó thu được ánh sáng từ những năm đầu của vũ trụ.
Nhưng máy tính tải trọng của kính thiên văn đột nhiên ngừng hoạt động vào ngày 13.6. Máy tính đó, được chế tạo vào những năm 1980, giống như bộ não của Hubble - điều khiển và giám sát tất cả thiết bị khoa học trên tàu vũ trụ. Vì vậy, các kỹ sư NASA đã gấp rút phân tích dữ liệu từ kính thiên văn để xác định chính xác vấn đề.
Họ vẫn chưa tìm ra lý do máy tính tạm dừng. NASA đã cố gắng khởi động lại nó vào ngày 14.6. Dữ liệu ban đầu cho thấy sự cố có thể xuất phát từ module bộ nhớ máy tính đang xuống cấp, vì vậy, nhóm Hubble đã thử chuyển sang một trong ba module dự phòng trên kính thiên văn. Nhưng lệnh khởi động module mới không hoạt động.
Ngày 16.6, nhóm Hubble đã cố gắng đưa cả module hiện tại và bản sao lưu lên mạng. Cả hai lần thử đều thất bại. Vì vậy, bây giờ, nhóm vận hành Hubble "sẽ chạy thử nghiệm và thu thập thêm thông tin về hệ thống để cô lập thêm vấn đề" - NASA cho biết trong bản cập nhật hôm 18.6.
Trong khi đó, các công cụ khoa học của Hubble đang ở "chế độ an toàn" giống như chế độ ngủ đông.
Hubble có một máy tính tải trọng thứ hai mà nó có thể chuyển sang sử dụng nếu NASA không thể khôi phục máy tính hiện tại.
Đây không phải là lần đầu tiên Hubble gặp sự cố hoặc cần nâng cấp - thậm chí không phải lần đầu tiên trong năm nay. Vào tháng 3, một lỗi phần mềm đã đưa đài quan sát vào chế độ an toàn. Nhưng trong vòng một tuần, NASA đã khắc phục được sự cố và đưa kính viễn vọng trở lại hoạt động.
Hubble là kính thiên văn đầu tiên được thiết kế để phục vụ trong quỹ đạo. Các phi hành gia đã đến thăm đài quan sát để khắc phục sự cố hoặc thay thế các bộ phận cũ trong năm lần.
Nhiệm vụ bảo dưỡng kính thiên văn Hubble cuối cùng diễn ra vào năm 2009, theo đó đã sửa chữa hai thiết bị hỏng hóc và cung cấp cho kính thiên văn một máy tính mới, pin mới, vật liệu cách nhiệt mới, một máy ảnh mới và một máy quang phổ.
Bằng cách thay thế hoặc nâng cấp các bộ phận cũ theo cách này, các phi hành gia đã mang lại cho Hubble những khả năng mới trong suốt vòng đời của nó. Đó là lý do kính thiên văn vẫn đang tiến hành nghiên cứu khoa học đột phá sau 30 năm kể từ khi ra mắt.
NASA cũng có kế hoạch phóng một kính viễn vọng không gian tiên tiến hơn vào quỹ đạo vào tháng 11. Đài quan sát mới, được gọi là Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST), sẽ có trường quan sát lớn hơn Hubble khoảng 15 lần.
Dù JWST không nhằm mục đích thay thế Hubble nhưng kính viễn vọng không gian cũ không thể tồn tại mãi mãi. Trong nhiệm vụ năm 2009, các phi hành gia cũng đã lắp đặt một thiết bị có thể đẩy Hubble vào bầu khí quyển của Trái đất khi đến thời điểm ngừng hoạt động. Khi nó rơi về phía Trái đất, ma sát sẽ làm nóng đài quan sát cho đến khi nó bốc cháy. Không rõ khi nào điều đó sẽ xảy ra.