Sứ mệnh khám phá mặt trăng Titan của sao Thổ nhằm mục đích nghiên cứu về những sự sống ngoài Trái đất và thu thập các hợp chất hữu cơ để phục vụ cho nghiên cứu.
NASA gần đây đã trao khoản tài trợ 125.000 USD cho Trung tâm Nghiên cứu Glenn của NASA ở Cleveland để nghiên cứu về tính khả thi của sứ mệnh lần này.
Titan là mặt trăng lớn thứ hai trong Hệ Mặt trời, chỉ đứng sau Ganymede của sao Mộc, nó được bao phủ bởi một đại dương hoàn toàn bằng mêtan lỏng.
Ngoài đại dương lỏng mà nhiều nhà khoa học tin rằng có thể là nơi sinh sống, còn có một lớp hợp chất hóa học trên bề mặt và trong khí quyển của nó, được gọi là tholins, không được tìm thấy trên Trái đất.
NASA cho biết, tholins cũng có thể là một trong những yếu tố xây dựng nên Hệ Mặt trời, nghiên cứu yếu tố này giúp chúng ta hiểu hơn về nguồn gốc sự sống trên Trái đất.
Titan còn có các kiểu thời tiết khắc nghiệt, với nhiệt độ bề mặt là -179 độ C, điều khiến các nhà khoa học tò mò trong nhiều năm.
Không giống như sao Hỏa, áp suất khí quyển của Titan sẽ khiến việc hạ cánh tàu vũ trụ trên bề mặt của nó dễ dàng hơn đáng kể.
Steven Oleson - người đứng đầu phòng thí nghiệm Compass tại Glenn, nơi tiến hành thiết kế tàu vũ trụ cho NASA - cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi hy vọng việc hạ cánh trên Titan sẽ tương đối dễ dàng. Titan có một bầu khí quyển nitơ dày gấp 1,5 lần áp suất khí quyển của Trái đất, có thể làm giảm tốc độ của tàu thám hiểm và giúp nó hạ cánh nhẹ nhàng".
Geoffrey Landis - Trưởng nhóm nghiên cứu khoa học của Compass - thông tin: "Sản xuất nhiên liệu tên lửa trên Titan sẽ không yêu cầu xử lý hóa chất, bạn chỉ cần một đường ống và một máy bơm. Khí mêtan đã ở trạng thái lỏng, vì vậy nó đã sẵn sàng hoạt động".
Trước đó vào tháng 6.2019, NASA đã tiết lộ về sứ mệnh thăm dò Titan, được đặt tên là Dragonfly.
Ban đầu sứ mệnh này dự định sẽ phóng tàu thám hiểm vào năm 2026, nhưng vì đại dịch COVID-19 nên buộc phải lùi đến năm 2027.