Nạn vaccine COVID-19 giả ở Châu Phi - phần nổi của tảng băng

Gia Minh |

Vaccine hiện là thị trường béo bở, mới nhất trong việc buôn bán dược phẩm giả đang phát triển. Các nhóm tội phạm có tổ chức "đục nước béo cò" khi dịch COVID-19 vẫn hoành hành và thế giới đang thiếu hụt nguồn vaccine, đặc biệt tại Châu Phi.

Không vaccine nào được phê duyệt bán trực tuyến

Cảnh sát Trung Quốc và Nam Phi vừa qua đã thu giữ hàng nghìn liều vaccine COVID-19 giả và thực hiện hàng chục vụ bắt giữ, BBC dẫn nguồn Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) cho biết. Tại Trung Quốc, cảnh sát đã thực hiện bắt giữ khoảng 80 người tại một nhà máy bị cáo buộc làm vaccine giả, nơi có ít nhất 3.000 liều được tìm thấy. Ba công dân Trung Quốc và một người Zambia đã bị giam giữ tại một nhà kho ở Gauteng tại Nam Phi, nơi phát hiện ra những ống chứa 2.400 liều vaccine.

Trong một tuyên bố hồi cuối tháng 2, Interpol cho hay, họ cũng tiếp tục nhận được báo cáo về các đường dây buôn bán vaccine giả khác. Do đó, Interpol nhấn mạnh, không có một vaccine nào được phê duyệt "hiện bán trực tuyến cả". "Bất cứ loại vaccine nào được quảng cáo trên các trang web hay web đen là không hợp pháp và không được kiểm nghiệm, có thể gây nguy hiểm" - Interpol nói.

Vaccine là một công cụ quan trọng để vượt qua đại dịch COVID-19. Sự cạnh tranh khốc liệt trên toàn thế giới để mua đủ vaccine có sẵn sau khi được các cơ quan y tế phê duyệt ngày càng nhiều trong những tháng gần đây.

Chính xác thì cảnh sát đã điều tra, phá án ra những gì? Tại Germiston, Gauteng (Nam Phi), cảnh sát đã tìm thấy khoảng 400 lọ - tương đương 2.400 liều vaccine giả cũng như một lượng lớn khẩu trang 3M giả. Và Interpol cũng công bố những hình ảnh về kho hàng hoá này. Vụ bắt giữ này dẫn đến việc xác định được một mạng lưới bán vaccnine COVID-19 giả ở Trung Quốc, Interpol cho biết trong một bình luận qua email. Tuy nhiên, tổ chức này không cho biết thêm địa điểm và thông tin chi tiết về nhà máy sản xuất vaccine giả ở Trung Quốc khi điều tra đang được tiếp tục, với sự trợ giúp của Chương trình Y tế Toàn cầu và Hàng hóa bất hợp pháp.

Sau đó, cảnh sát Trung Quốc đã đột kích vào cơ sở sản xuất ở Côn Sơn, Tô Châu, bắt giữ khoảng 80 nghi phạm. Hơn 3.000 liều vaccine giả đã bị thu giữ tại hiện trường, thông tin trên trang web của Interpol cho hay.

Theo người phát ngôn của Bộ Công an Trung Quốc, cảnh sát nước này đang tiến hành một "chiến dịch có mục tiêu nhằm ngăn chặn và trấn áp tội phạm liên quan đến vaccine", đồng thời sẽ tăng cường hợp tác mang tính xây dựng với Interpol cũng như cảnh sát các nước để ngăn chặn hiệu quả những tội phạm này.

Chuẩn tướng Vish Naidoo - người phát ngôn của Cảnh sát Nam Phi - cũng nói rằng, việc hợp tác với các quốc gia thành viên Interpol khác đang tỏ ra "rất hiệu quả".

Chỉ là "phần nổi của tảng băng"

Theo Tổng Thư ký Interpol Jürgen Stock, trong khi các hoạt động của cảnh sát ở Trung Quốc và Nam Phi được hoan nghênh, thì đây chỉ là "phần nổi của tảng băng" khi nói đến tội phạm liên quan tới vaccine COVID-19.

Vào tháng 12 vừa qua, tổ chức này ban hành một cảnh báo toàn cầu ở 194 quốc gia thành viên về việc chuẩn bị đối phó với các mạng lưới tội phạm có tổ chức nhắm mục tiêu vào vaccine COVID-19, cũng như đưa ra những chỉ dẫn về cách phát hiện các sản phẩm y tế giả.

Hồi tháng 2, Trung Quốc bắt giữ kẻ cầm đầu một vụ lừa đảo trị giá hàng triệu USD khi đã sử dụng dung dịch muối và nước khoáng làm vaccine COVID-19. Nghi phạm, chỉ được xác định là Kong, đã nghiên cứu thiết kế bao bì của vaccine thật trước khi tạo ra hơn 58.000 liều giả. Anh ta nằm trong số 70 người bị bắt vì những tội danh tương tự. Theo phán quyết của tòa án, Kong và nhóm của anh đã kiếm được 18 triệu Nhân dân tệ (2,78 triệu USD) bằng cách này.

Một lô vaccnine giả đã xuất lậu ra nước ngoài nhưng không biết được gửi đến đâu, vào thời điểm nào. Vì vậy, không rõ liệu vaccine giả bị thu giữ ở Nam Phi có nguồn gốc từ mạng lưới này hay không. Song đường dây này đã vận chuyển ước tính khoảng 600 liều ra nước ngoài (điểm đến không xác định) vào ngày 12.11.2020.

Tuy nhiên, Nam Phi không phải là quốc gia Châu Phi duy nhất bị đe doạ bởi nạn vaccine giả, bởi sự gia tăng số ca mắc COVID-19. Tại Mexico, cũng vào tháng trước, cảnh sát đã bắt giữ 6 người vì bị cáo buộc buôn bán vaccine COVID-19 giả ở bang biên giới phía bắc Nuevo León. Các nghi phạm được cho là đã chào bán vaccine với giá tương đương khoảng 2.000 USD/liều tại một phòng khám ở ngoại ô Monterrey.

Các giải pháp giảm thiểu mối đe dọa tiềm tàng

Thuốc giả là loại dược phẩm đánh lừa người mua về thành phần. Những sản phẩm này có nhãn hiệu sai, thường sai thành phần hoạt chất hoặc thậm chí là chất độc hại và do những người không có chuyên môn sản xuất.

Việc buôn bán bất hợp pháp thuốc giả là một mối đe dọa đáng kể đối với Châu Phi, theo Viện Nghiên cứu An ninh Châu Phi (ISSAfrica). Ngoài tác động tiêu cực đến thị trường, nền kinh tế và sinh kế, nó còn ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực y tế. Nghiên cứu của Tổ chức Tăng cường biện pháp ứng phó của Châu Phi đối với tội phạm xuyên quốc gia (ENACT) cho thấy, những sản phẩm này khiến tăng tình trạng bệnh kháng thuốc và làm mất niềm tin vào các chuyên gia và hệ thống y tế.

Các chuyên gia tin rằng, thuốc và vật tư y tế giả là lĩnh vực sinh lợi nhất trong thị trường hàng giả. Mặc dù quy mô thị trường rất khó đo lường, nhưng ước tính trị giá hàng tỉ USD mỗi năm. Và Châu Phi chịu gánh nặng của nạn này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo rằng, từ năm 2013 đến năm 2017, 42% tổng số trường hợp thuốc giả được báo cáo là ở Châu Phi. Tuy nhiên, con số này có lẽ cao hơn do không phải tất cả trường hợp đều được báo cáo.

Châu Phi là một mục tiêu thích hợp cho các nhà sản xuất thuốc vì nó thiếu các biện pháp đáp ứng đầy đủ, chẳng hạn như quy định chuỗi cung ứng và công nghệ theo dõi và truy tìm. Hơn nữa, từ 70% đến 90% các sản phẩm dược phẩm ở Châu Phi Hạ Sahara được nhập khẩu và thị trường này dự kiến sẽ tăng trong vài năm tới. Xu hướng này tạo cơ hội lý tưởng cho những kẻ làm giả dược phẩm khai thác.

Thuốc giả là hoạt động kinh doanh tốt vì nhiều lý do. Đây là một thị trường có lợi nhuận khủng với nguy cơ bị phát hiện thấp đối với các nhóm tội phạm có tổ chức. Công nghệ cần thiết để sản xuất các sản phẩm này rất đơn giản và dễ kiếm. Tiếp thị và phân phối tương đối dễ thiết lập, cũng như việc thâm nhập vào các kênh phân phối.

Nhu cầu cao về thuốc chữa bệnh ở Châu Phi và tình trạng thiếu sản xuất tại chỗ ở nhiều nước đã tạo điều kiện cho các mạng lưới tội phạm phân phối dược phẩm giả tràn ngập thị trường. Thuốc chống sốt rét giả dẫn đến hàng nghìn ca tử vong hàng năm trên khắp lục địa này.

Hiện sự đổ xô mua vaccine COVID-19 ở nhiều nước Châu Phi là cơ hội hoàn hảo cho các nhóm tội phạm có tổ chức "đục nước béo cò" khi các nước tăng tích trữ vaccine, dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành và các nước nghèo hơn đang tranh giành vaccine.

Vậy, làm thế nào để các quốc gia Châu Phi giảm thiểu mối đe dọa tiềm tàng này? Viện Nghiên cứu An ninh Châu Phi cho rằng, bước đầu tiên là nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua các nền tảng truyền thông xã hội và các nền tảng khác về thuốc giả và vaccine COVID-19 giả. Các nhân viên thực thi pháp luật cần được đào tạo để giúp họ xác định các loại dược phẩm này.

Doanh nghiệp cùng chính phủ cần tăng cường chuỗi cung ứng. Các cơ quan quản lý biên giới nên cải thiện việc giám sát theo quy định đối với hàng hóa trung chuyển và các quốc gia phải tăng cường luật chống hàng giả. Cần khuyến khích chia sẻ thông tin giữa các nước xuất phát, quá cảnh và điểm đến.

Một mục tiêu dài hạn có lợi cho lục địa này là khuyến khích sản xuất thuốc ở Châu Phi. Bước đi này sẽ giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài lục địa và tạo ra các mạng lưới chuỗi cung ứng mới. Hiện Nam Phi, Kenya và Nigeria là những nhà sản xuất lớn có năng lực xuất khẩu.

COVID-19 đã tạo ra nhu cầu cao về vaccine, mở ra thị trường béo bở cho các nhóm tội phạm có tổ chức khai thác. Đại dịch có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với các mạng lưới tội phạm này, đặc biệt là trong lĩnh vực buôn bán hàng giả. Nam Phi có thể là mục tiêu đầu tiên trên lục địa này, nhưng nó sẽ không phải là mục tiêu cuối cùng. Trừ khi các nước Châu Phi bắt đầu áp dụng các biện pháp để ngăn chặn nạn buôn bán thuốc giả, vaccine giả sẽ trở thành một công cụ béo bở trong "kho vũ khí" của các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi - Tiến sĩ Zweli Mkhize - cũng từng nêu lên lo ngại về vấn nạn vaccine COVID-19 giả trong phiên chất vấn tại Quốc hội hôm 10.3. Đồng thời, ông đưa ra cảnh báo với mọi người rằng, vaccine được cung cấp miễn phí tại các địa điểm được nhà nước quản lý, theo NewIndianExpress.

Gia Minh
TIN LIÊN QUAN

Ấn Độ tăng cường tiêm chủng, giảm dần xuất khẩu vaccine COVID-19

Ngọc Khánh |

Ngày 1.4, Ấn Độ bắt đầu mở rộng chương trình tiêm chủng vaccine cho những công dân từ 45 tuổi trở lên khi số ca nhiễm nước này gia tăng, điều này làm trì hoãn việc xuất khẩu từ trung tâm sản xuất vaccine lớn nhất thế giới.

Hàn Quốc phát hành hộ chiếu vaccine COVID-19 kỹ thuật số

Ngọc Khánh |

Hôm nay, 1.4, Hàn Quốc cho biết, họ sẽ cấp hộ chiếu vaccine COVID-19 cho các công dân đã được tiêm chủng vaccine nhằm khôi phục hoạt động du lịch xuyên biên giới như một số quốc gia đã làm.

Lô vaccine COVID-19 đầu tiên của Covax về Việt Nam

Lệ Hà |

Ngày 1.4, lô vaccine đầu tiên gồm hơn 800.000 liều của AstraZeneca do Covax Facility cung cấp về đến Việt Nam.

Gần 50.000 người được tiêm vaccine COVID-19

Lệ Hà |

6h00 ngày 1.4, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, không ghi nhận ca mắc mới. Hiện đã có 49.743 người được tiêm vaccine COVID-19.

Việc triển khai vaccine COVID-19 của Australia không đạt mục tiêu

Ngọc Khánh |

Mục tiêu tiêm chủng vaccine COVID-19 của Australia giảm mạnh so với ban đầu, mới chỉ khoảng 670.000 người được tiêm so với mục tiêu đề ra là 4 triệu người vào cuối tháng 3.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu cán bộ không đi lễ hội trong giờ hành chính

PHẠM ĐÔNG |

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.

3 lý do khiến VN-Index giảm sốc đầu tuần, nhóm bất động sản sàn la liệt

Đức Mạnh |

Nhóm bất động sản hôm nay diễn biến kém khả quan, kéo VN-Index lùi sâu dưới tham chiếu. Toàn thị trường ghi nhận số mã giảm gấp hơn 3 lần số mã tăng, 75 cổ phiếu bám sàn.

Không khí lạnh gây mưa giảm nhiệt sâu từ đêm nay

AN AN |

Do tác động của không khí lạnh, từ đêm nay 13.2 Bắc Bộ, Thanh Hoá - Nghệ An trời chuyển rét kèm mưa rào và dông.

Ấn Độ tăng cường tiêm chủng, giảm dần xuất khẩu vaccine COVID-19

Ngọc Khánh |

Ngày 1.4, Ấn Độ bắt đầu mở rộng chương trình tiêm chủng vaccine cho những công dân từ 45 tuổi trở lên khi số ca nhiễm nước này gia tăng, điều này làm trì hoãn việc xuất khẩu từ trung tâm sản xuất vaccine lớn nhất thế giới.

Hàn Quốc phát hành hộ chiếu vaccine COVID-19 kỹ thuật số

Ngọc Khánh |

Hôm nay, 1.4, Hàn Quốc cho biết, họ sẽ cấp hộ chiếu vaccine COVID-19 cho các công dân đã được tiêm chủng vaccine nhằm khôi phục hoạt động du lịch xuyên biên giới như một số quốc gia đã làm.

Lô vaccine COVID-19 đầu tiên của Covax về Việt Nam

Lệ Hà |

Ngày 1.4, lô vaccine đầu tiên gồm hơn 800.000 liều của AstraZeneca do Covax Facility cung cấp về đến Việt Nam.

Gần 50.000 người được tiêm vaccine COVID-19

Lệ Hà |

6h00 ngày 1.4, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, không ghi nhận ca mắc mới. Hiện đã có 49.743 người được tiêm vaccine COVID-19.

Việc triển khai vaccine COVID-19 của Australia không đạt mục tiêu

Ngọc Khánh |

Mục tiêu tiêm chủng vaccine COVID-19 của Australia giảm mạnh so với ban đầu, mới chỉ khoảng 670.000 người được tiêm so với mục tiêu đề ra là 4 triệu người vào cuối tháng 3.