Thông tin được đưa ra trong bối cảnh các nhà ngoại giao tại Liên Hợp Quốc tiết lộ rằng, các thành viên của Hội đồng Bảo an - bao gồm cả Nga - đang tiến hành các cuộc tiếp xúc để thúc đẩy một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt chiến tranh Syria trên cơ sở Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Phát biểu với tờ báo Arab Asharq Al-Awsat có trụ sở tại London, một nhà ngoại giao ở New York cho hay, các cuộc tiếp xúc của Mỹ tập trung vào nỗ lực của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria - ông Geir Pedersen - người sẽ thông báo cho các thành viên Hội đồng Bảo an vào đầu tuần tới.
Nhà ngoại giao nói rằng, ông Pedersen có khả năng sẽ “yêu cầu sự ủng hộ của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an” - Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc - những nước “đã nhiều lần nhắc lại sự ủng hộ của họ đối với những nỗ lực của ông”.
Song song đó, các nhà ngoại giao phương Tây chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch đương nhiệm Hội đồng Bảo an, Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield - dự kiến sẽ tập trung vào tiến trình chính trị do Liên Hợp Quốc làm trung gian, viện trợ nhân đạo ngày càng cấp thiết, kho vũ khí hóa học của chính phủ Syria và việc sử dụng chúng.
Trong một cuộc họp báo hôm 12.3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố, chính quyền Tổng thống Joe Biden “tiếp tục thúc đẩy giải pháp chính trị để chấm dứt xung đột” ở Syria, đồng thời nói thêm, nỗ lực này được thực hiện với sự “tham vấn chặt chẽ với các đồng minh, đối tác của chúng tôi và ông Pedersen”.
“Chúng tôi tin rằng, giải pháp chính trị phải giải quyết các yếu tố thúc đẩy bạo lực, gây bất ổn ở Syria. Chúng tôi sẽ sử dụng nhiều công cụ khác nhau theo ý của mình để thúc đẩy một kết thúc bền vững cho những người dân Syria đau khổ. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các vai trò của Liên Hợp Quốc - trong đó có vai trò đàm phán một giải pháp chính trị phù hợp với các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc, bao gồm cả Nghị quyết 2254” - ông Price nói trong cuộc họp báo tại Washington.
Người phát ngôn bổ sung: “Chúng tôi cũng tìm cách khôi phục quyền lãnh đạo của Mỹ khi nói đến viện trợ nhân đạo. Như chúng ta đã biết, Syria là một thảm họa nhân đạo. Người dân Syria đã phải chịu đựng quá lâu. Chúng tôi phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ những người Syria dễ bị tổn thương - bao gồm nhiều người phải di tản ở Syria cũng như những người tị nạn đã phải rời bỏ nhà cửa của họ”.
Khi được hỏi về sự cần thiết phải thay đổi “hành vi chứ không phải nhà lãnh đạo” của chính quyền Syria, phát ngôn viên Price trả lời: “(Ông Assad) hoàn toàn không làm gì để lấy lại tính chính danh mà ông ấy đã mất. Không có chuyện Mỹ sẽ sớm bình thường hóa quan hệ với chính phủ Tổng thống Bahar al- Assad".