Reuters đưa tin, nghiên cứu do Viện Khoa học Trung Quốc, Đại học Phúc Đán, Sinovac và các viện nghiên cứu khác của Trung Quốc hợp tác thực hiện - được đưa ra trong bối cảnh những lo ngại về hiệu quả vaccine COVID-19 Sinovac đối với biến thể Delta. Biến thể này đã trở thành biến thể thống trị trên toàn cầu và đang thúc đẩy sự gia tăng các ca nhiễm mới ngay cả ở những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất.
Một số quốc gia sử dụng chủ yếu vaccine COVID-19 của Sinovac đã bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường do các nhà sản xuất phương Tây phát triển cho những người đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine Sinovac.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố ngày 5.9 nhưng chưa trải qua đánh giá ngang hàng, các hoạt động trung hòa kháng thể chống lại biến thể Delta không được phát hiện trong các mẫu lấy từ những người đã tiêm mũi thứ 2 vaccine CoronaVac của Sinovac từ 6 tháng trước.
Tuy nhiên, những người đã được tiêm các mũi vaccine tăng cường cho thấy kháng thể trung hòa chống biến thể Delta cao hơn 2,5 lần tại thời điểm 4 tuần sau khi tiêm liều thứ 3, so sánh với mức được thấy trong 4 tuần sau khi tiêm vaccine liều thứ 2.
Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thực hiện trên các mẫu lấy từ 66 người tham gia, trong đó có 38 tình nguyện viên đã được tiêm 2 hoặc 3 liều vaccine COVID-19.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có kế hoạch vào cuối tháng 9 sẽ vận chuyển khoảng 100 triệu liều vaccine COVID-19 của Sinovac và Sinopharm chủ yếu đến Châu Phi và Châu Á.
Tuy nhiên, một số quốc gia đã từ chối tiếp nhận vaccine này với lý do thiếu dữ liệu về hiệu quả trong chống biến thể Delta.
Khoảng 1,8 tỉ liều vaccine COVID-19 của Sinovac đã được cung cấp trên toàn cầu (bao gồm cả ở Trung Quốc) tính tới cuối tháng 8, theo tuyên bố của công ty.