CNN đưa tin, hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày ở Thụy Sĩ nhằm tìm ra con đường hướng tới chấm dứt chiến sự ở Ukraina đã kết thúc hôm 16.6 với thông cáo chung được hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế khác đồng ý trong khi 12 nước và tổ chức từ chối ký.
Ấn Độ, Brazil, Saudi Arabia, Nam Phi và UAE - các nước thành viên BRICS có mối quan hệ thương mại quan trọng với Nga - nằm trong số các quốc gia không ký tuyên bố, cũng như 4 tổ chức, bao gồm Liên Hợp Quốc cùng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Trong khi đó, 79 quốc gia, bao gồm Hungary, Serbia, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Gruzia, cũng như 4 tổ chức quốc tế, đã cùng Ukraina phê chuẩn tài liệu này.
Văn bản tái khẳng định cam kết của các bên ký kết về việc “kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, các nguyên tắc về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia...”.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky phát biểu tại họp báo cùng các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), Ghana, Canada, Chile và Thụy Sĩ rằng điều quan trọng là tất cả những người tham gia hội nghị thượng đỉnh này ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina vì sẽ không có hòa bình lâu dài nếu không có toàn vẹn lãnh thổ".
Hơn 100 quốc gia và tổ chức đã tập trung tại Lucerne, Thụy Sĩ để kêu gọi ủng hộ công thức hòa bình 10 điểm mà ông Zelensky đưa ra lần đầu tiên vào cuối năm 2022.
Trong số các quan chức cấp cao tham dự có lãnh đạo các nước Argentina, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển và Vương quốc Anh.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng tham dự và nhân dịp này công bố gói viện trợ trị giá 1,5 tỉ USD dành cho các mục đích nhân đạo và giúp Kiev xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị tàn phá.
Bất chấp sự thể hiện mạnh mẽ của các nền dân chủ phương Tây, vẫn có những câu hỏi đặt ra trước sự kiện này là hội nghị sẽ đạt được gì khi cả Nga và Trung Quốc đều không tham dự.
Thông cáo công bố hôm 16.6 cho biết các bên ký kết đã đạt được một số thỏa thuận khác. Trong số đó có nguyên tắc Ukraina nên được phép có các nhà máy điện hạt nhân của riêng mình. Các bên cũng cho biết tất cả trẻ em và thường dân bị di dời bất hợp pháp phải được trả về Ukraina.
Ngày 14.6, một ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh bắt đầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình bày lại kế hoạch hòa bình của Điện Kremlin, trong đó kêu gọi quân đội Ukraina rút khỏi bốn khu vực phía nam và phía đông lãnh thổ Ukraina đã sáp nhập Nga và yêu cầu Kiev từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.