Hoàn cầu Thời báo đưa tin, cuộc khai quật khảo cổ mới nhất tại hố hiến tế số 1 ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng - vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc - ở tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc, đã giúp các nhà khảo cổ học Trung Quốc hiểu rõ hơn về quy trình tạo ra đội quân đất nung nổi tiếng thế giới và vũ khí của các chiến binh này.
Theo một báo cáo gần đây của Cục Quản lý Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc, các nhà khảo cổ đã phục hồi hơn 140 chiến binh đất nung. Trong quá trình đó, các nhà khảo cổ phát hiện ra rằng cánh tay của những chiến binh này được tạo ra riêng biệt, sau đó được gắn vào cơ thể và được bao phủ bằng một lớp đất sét mịn. Việc chạm khắc các chi tiết tinh xảo được hoàn thành trước khi các cánh tay được gắn vào.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng phát hiện trong hố nhiều loại vũ khí, bao gồm vũ khí tấn công tầm xa, khiên để phòng thủ, cũng như trống và dùi trống để chỉ huy binh lính.
"Đội quân đất nung có thể được coi là những tác phẩm điêu khắc lớn. Nhờ khám phá những tác phẩm nghệ thuật này, chúng tôi sẽ biết thêm về quá trình tạo tác điêu khắc của Trung Quốc cổ đại. Quy trình đặc biệt được sử dụng để ghép nối các chi tiết, tạo nên chiến binh đất nung hoàn chỉnh. Đây là kỹ thuật độc đáo và khôn ngoan của Trung Quốc" - Lu Qiuxia, chuyên gia về nghệ thuật cổ đại Trung Quốc cho hay.
Lu nói thêm rằng cách các chiến binh được tạo ra theo những cách khác nhau dựa trên địa vị xã hội và giai cấp của họ.
"Sau khi phân tích, chúng tôi nhận thấy các chiến binh được chia thành nhiều lớp khác nhau. Điều này góp phần nghiên cứu về văn hóa mai táng của các chiến binh đất nung" - chuyên gia lưu ý.
Thông qua các cuộc khai quật, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã xác định các loại vũ khí và cách sắp xếp vũ khí được sử dụng bởi các chiến binh đất nung cũng như sự hình thành và mô hình của đội quân bí ẩn dưới lòng đất.
Việc phát hiện tàn tích trong một đường hầm dẫn ra khỏi hố cũng thu hút sự chú ý của các chuyên gia vì có vẻ ai đó đã cố gắng đào một đường hầm vào hố.
Cuộc khai quật thứ ba của hố số 1 kéo dài từ năm 2009 đến năm 2022 trên diện tích khoảng 430 mét vuông. Hơn 220 tượng đất nung, 16 con ngựa đất nung, 4 cỗ xe và các di vật văn hóa khác như vũ khí, công cụ sản xuất đã được phát hiện.
Bên cạnh đó, tại di chỉ khảo cổ Di tích Qingpingbao ở tỉnh Thiểm Tây, các nhà khảo cổ đã khai quật được phần còn lại của một số tòa nhà như đền thờ, nhà ở và cửa hàng cũng như các tác phẩm điêu khắc mang nét đặc trưng của cả hai nhóm dân tộc Hán và Mông Cổ.
Các nhà khảo cổ phát hiện một tòa nhà cao ở trung tâm của khu di chỉ, có từ thời nhà Minh (1368-1644), nối liền bốn con phố chính trong thành cổ. Các bức tượng đất sét được khai quật có thể được chia thành hai loại, Hán và Mông Cổ, phản ánh sự giao lưu, hội nhập và cùng tồn tại bình đẳng của các dân tộc Hán và Mông Cổ.
Địa điểm này được cho từng là chợ của hai nhóm người Hán và Mông Cổ, đồng thời đóng vai trò là địa điểm phòng thủ. Các tàn tích cho thấy sự hợp nhất của các nhóm dân tộc khác nhau ở Trung Quốc cổ đại.