Các bộ trưởng y tế Liên minh Châu Âu EU họp khẩn hôm 6.3 về diễn biến tồi tệ dịch COVID-19 ở Châu Âu. Virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã quét qua gần như tất cả 27 quốc gia thành viên EU. Hơn 2 tháng kể từ khi các trường hợp nhiễm COVID-19 được biết đến đầu tiên ở Trung Quốc, số ca nhiễm được xác nhận tại các quốc gia EU đến nay đã lên tới hơn 5.500.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng các biện pháp tích cực cần thiết để ngăn chặn một dịch bệnh vẫn chưa thành hiện thực.
CNN dẫn lời Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Czech Adam Vojtěch nói trước cuộc họp tại Brussels hôm 6.3 rằng "việc thiếu khẩu trang, thiết bị bảo hộ và chất khử trùng" là "thực sự đáng lo ngại”, đồng thời kêu gọi Ủy ban Châu Âu đẩy nhanh quá trình mua sắm của mình.
Cao uỷ EU phụ trách công nghiệp Thierry Breton tuần trước đã yêu cầu các quốc gia thành viên cung cấp dữ liệu về tác động của chuỗi cung ứng trong 1 tháng, nhưng các vấn đề trong tuần này mới nổi lên: Tại Đức, các nhà thuốc được Bộ Y tế cho phép tự pha chế dung dịch khử trùng. Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết chính phủ sẽ kiểm soát việc sản xuất và phân phối khẩu trang.
Châu Âu cũng có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc do các vấn đề liên quan đến nhập khẩu dược phẩm từ Trung Quốc và Ấn Độ - Giám đốc Y tế Công cộng của Ủy ban Châu Âu cảnh báo hôm 5.3 - một ngày sau khi một quan chức EU dương tính với COVID-19 ở Brussels.
Theo một báo cáo của Tập đoàn Dược phẩm Liên minh Châu Âu (PGEU), nhiều quốc gia trên khắp Châu Âu đã phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc trước khi xuất hiện loại virus này.
Ngay cả khi EU cố gắng vượt qua sự bùng phát, virus này đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hàng ngày của họ. Một cuộc họp theo lịch của các đại sứ EU đã không diễn ra vào ngày 6.3 sau khi có tin đại diện Croatia đã tiếp xúc với một nhân viên EU, người sau đó được xác nhận đã bị nhiễm virus, một quan chức EU nói với CNN.
Không phải tất cả là lỗi của EU
Nếu Châu Âu không chuẩn bị, đó không hoàn toàn là lỗi của EU. Các quốc gia thành viên EU chịu trách nhiệm cho các dịch vụ y tế và chính sách biên giới của riêng họ. Nhưng các quan chức ở Brussels đã cảnh báo rằng các nước EU, hoặc chính EU, đã không chia sẻ đủ thông tin với nhau.
Cao uỷ EU về sức khỏe và an toàn thực phẩm, Stella Kyriakides, kêu gọi các thành viên "chia sẻ thông tin với chúng tôi và với nhau, về các biện pháp được thông qua và kế hoạch ở các nước bạn. Tất cả chúng ta đều được bảo vệ tốt hơn nếu tất cả chúng ta làm việc cùng nhau”.
Các biện pháp kiểm tra sức khỏe đã thay đổi trên khắp Châu Âu. Các chuyên gia hàng không cho biết chỉ một số ít các quốc gia yêu cầu khai báo về sức khỏe đối với hành khách trở về từ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng, như Trung Quốc hoặc Italia.
Một trong những lý do khiến nhiều quốc gia Châu Âu không đặt ra hạn chế đi lại đối với các quốc gia bị ảnh hưởng xấu nhất là do khuôn khổ pháp lý quốc tế chi phối cách các quốc gia đối phó với dịch bệnh - theo Tiến sĩ Osman Dar, chuyên gia về sức khỏe cộng đồng tại tổ chức Chatham House của Anh.
Được gọi là Quy định Y tế Quốc tế (IHR), khuôn khổ này nhằm mục đích khuyến khích các quốc gia báo cáo rủi ro mới cho các cơ quan quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau đó có thể đưa ra phản ứng phối hợp.
“Các quốc gia báo cáo sớm sẽ được bảo vệ khỏi những hạn chế thương mại và du lịch, và các hiệu ứng kinh tế xã hội" - tiến sĩ Dar nói, mô tả đây là một "món hời lớn”.
Tiến sĩ Dar cũng nói sẽ không công bằng khi so sánh Châu Âu với các hệ thống y tế khác: "Trung Quốc đã ứng phó dịch bệnh với tốc độ vượt trội và thực sự họ là quốc gia duy nhất có thể làm điều đó ở quy mô đó".
"Chúng ta cần phải kìm virus này chậm lại vì các hệ thống y tế trên toàn thế giới - và ý tôi là bắc và nam - chưa sẵn sàng", tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, nói trong cuộc họp báo hôm 6.3.
Điều này là rõ ràng ở Italia, nơi Thủ tướng Giuseppe Conte thừa nhận rằng một bệnh viện ở thị trấn Codogno phía bắc đã xử lý sai trường hợp COVID-19 đầu tiên của khu vực và đã góp phần vào sự lây lan của virus chết người này.
Tuần trước, các quan chức y tế Italia cảnh báo, các bệnh viện của họ đang phải vật lộn với một "cuộc khủng hoảng quá tải".
Vấn đề tương tự cũng đã xảy ra ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, nguồn gốc của dịch COVID-19, trong một tình huống được cho là đã giúp đẩy nhanh sự lây lan của virus trong giai đoạn đầu.
Italia đã áp đặt một số biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất ở Châu Âu để ngăn chặn sự lây lan, bao gồm cả việc phong toả các thị trấn ở phía bắc của đất nước và đóng cửa tất cả các trường học và đại học trên toàn quốc.
Các nước Châu Âu khác đã bắt đầu làm theo. Ngày 7.3, Pháp cấm các cuộc tụ họp công cộng với hơn 5.000 người, Reuters đưa tin. Và khi các ca nhiễm COVID-19 tăng ở Anh, chính phủ của Anh cũng đã công bố kế hoạch hành động của mình.