Luật Hải cảnh Trung Quốc trái Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển

PGS-TS Vũ Thanh Ca |

Luật Hải cảnh của Trung Quốc - ban hành ngày 22.1.2021 và chính thức có hiệu lực ngày 1.2 vừa qua, có nhiều điều không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), về quyền đi qua vô hại trong lãnh hải và quyền tự do hàng hải, hàng không của tất cả các tàu thuyền và thiết bị bay nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển...

Trái ngược luật pháp quốc tế

Điều 20 của Luật Hải cảnh cho phép Hải cảnh ngăn chặn các nước ngoài xây dựng các công trình và lắp đặt tất cả các công trình nổi hay cố định trong “vùng nước thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” và cũng cho phép các lực lượng Hải cảnh Trung Quốc phá bỏ những công trình này.

Điều 22 quy định rằng, Hải cảnh Trung Quốc có thể “sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết, kể cả sử dụng vũ khí để ngăn chặn và loại bỏ các mối nguy hiểm khi các tổ chức và cá nhân nước ngoài xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia”.

Điều 47 quy định các nhân viên hải cảnh có thể sử dụng vũ khí cầm tay khi các tàu nước ngoài chống lại lệnh từ lực lượng Hải cảnh và khi các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu lực.

Luật này còn quy định lực lượng hải cảnh Trung Quốc có quyền theo dõi và giám sát các tàu nước ngoài trong vùng tài phán của Trung Quốc; đồng thời giam giữ hoặc dùng vũ lực trục xuất các tàu nước ngoài hoạt động trong lãnh hải Trung Quốc, hoặc dùng vũ lực trục xuất các tàu quân sự hoặc tàu của chính phủ nước ngoài hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán.

Ngoài ra, luật còn cho phép các tàu hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí gắn trên tàu, trên thiết bị bay và cầm tay trong các hoạt động chống khủng bố, trong những “sự cố nghiêm trọng” khi các tàu và máy bay hải cảnh bị tấn công bằng vũ khí và các thiết bị bạo lực khác.

Một trong những quy định rất nghiêm ngặt của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc và nhiều Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc không được phép sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Quy định này cũng được nhắc lại trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Đối chiếu các quy định này với các quy định được nêu ở phần trên trong Luật Hải cảnh Trung Quốc, có thể thấy Hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng vũ khí với những lý do rất mơ hồ như “ngăn chặn và loại bỏ các mối nguy hiểm” hoặc “khi các tàu nước ngoài chống lại lệnh từ lực lượng Hải cảnh”...

Điều đặc biệt nghiêm trọng là tuyên bố vùng biển “thuộc quyền tài phán” của Trung Quốc không chỉ là vùng biển xung quanh Trung Quốc xác định theo UNCLOS mà là hầu như toàn bộ Biển Đông, nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò” hoặc cái gọi là “vùng biển liên quan tới Tứ Sa” và một phần rất lớn của vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Nhật Bản tại Biển Hoa Đông.

Trong Biển Đông, tuyên bố của Trung Quốc về “quyền lịch sử” trong vùng biển xác định theo “đường lưỡi bò”, chồng lấn với vùng biển của nhiều quốc gia xung quanh Biển Đông, đã bị Tòa Trọng tài thường trực thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS bác bỏ. Bằng cách sử dụng những quy định mơ hồ “vùng biển thuộc quyền tài phán”, Luật Hải cảnh của Trung Quốc không chỉ nhắm tới vùng biển hợp pháp của Trung Quốc mà chắc chắn là nhắm tới cả vùng biển tuyên bố “quyền tài phán” phi pháp của Trung Quốc.

Như vậy, luật này trao cho Hải cảnh Trung Quốc quyền nổ súng vào người dân và các tàu của chính phủ, tàu quân sự không những của các quốc gia ngoài Biển Đông thực hiện tự do hàng hải, hàng không mà còn của các quốc gia xung quanh Biển Đông hoạt động trong vùng biển của mình xác định hợp pháp theo UNCLOS.

Ngoài các quy định nêu trên, Luật Hải cảnh của Trung Quốc còn có nhiều điều không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, về quyền đi qua vô hại trong lãnh hải và quyền tự do hàng hải, hàng không của tất cả các tàu thuyền và thiết bị bay nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển, cũng như các quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc về việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển và đảo.

Nguy hiểm với cộng đồng quốc tế

Ngay cả trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc xác lập theo UNCLOS, các quy định nêu trên trong Luật Hải cảnh Trung Quốc đã trái với UNCLOS và nguy hiểm.

Đối với vùng biển tuyên bố quyền chủ quyền và quyền tài phán sai trái của Trung Quốc trong phạm vi “đường lưỡi bò” hoặc theo “Tứ Sa”, các quy định này lại càng nguy hiểm.

Luật này sẽ biến tàu thuyền của các quốc gia ven biển hoạt động hợp pháp trong vùng biển của mình xác lập theo UNCLOS thành các hoạt động bất hợp pháp và là đối tượng để lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tấn công, trục xuất, thậm chí nổ súng.

Như vậy, Luật Hải cảnh của Trung Quốc đã cho phép Hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực không chỉ trong vùng biển hợp pháp của Trung Quốc mà còn cả trong vùng biển hợp pháp của nhiều quốc gia khác xung quanh Biển Đông và biển Hoa Đông, như vậy là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các quốc gia xung quanh Biển Đông và ở khu vực biển Hoa Đông.

Với các lý do nêu trên, Luật Hải cảnh Trung Quốc là một luật rất nguy hiểm cho hòa bình và an ninh khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông. Chắc chắn rằng các quốc gia ven biển Đông không cho phép Trung Quốc tự do bắt giữ, “trục xuất”, thậm chí bắn các dân sự, tàu chiến, tàu chính phủ của mình hoạt động hợp pháp trong vùng biển của mình xác lập theo UNCLOS.

Bởi vậy, những hoạt động sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trái pháp luật của Trung Quốc sẽ tạo cớ cho các xung đột vũ trang. Các xung đột vũ trang do Hải cảnh Trung Quốc gây ra có thể leo thang, gây mất ổn định trên khu vực và trên thế giới.

Cộng đồng quốc tế cần phải có những nỗ lực quốc tế để kiềm chế những quy định và hoạt động sai trái của Trung Quốc. Các nỗ lực này cần được thể hiện về mặt ngoại giao như Nhật Bản và Philippines đã gửi Công hàm lên Liên Hợp Quốc bác bỏ tuyên bố chủ quyền sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như khẳng định luật này là nguy hiểm cho các hoạt động tuân thủ luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Mỹ, Anh, Đức và một số quốc gia khác đã cử tàu vào Biển Đông để vô hiệu hóa luật này.

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước xung quanh Biển Đông và các nước lớn có quyền lợi về tự do hàng hải, hàng không, cần phải tạo tiếng nói đồng thuận để bác bỏ Luật Hải cảnh của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc sửa luật, tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế và làm rõ phạm vi “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

"Điều đặc biệt nghiêm trọng là tuyên bố vùng biển “thuộc quyền tài phán” của Trung Quốc không chỉ là vùng biển xung quanh Trung Quốc xác định theo UNCLOS mà là hầu như toàn bộ Biển Đông, nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò” hoặc cái gọi là “vùng biển liên quan tới Tứ Sa” và một phần rất lớn của vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Nhật Bản tại Biển Hoa Đông". PGS-TS Vũ Thanh Ca

PGS-TS Vũ Thanh Ca
TIN LIÊN QUAN

Việt Nam-Lào-Campuchia nhất trí duy trì hòa bình ở Biển Đông

Khánh Minh |

Ba Thủ tướng Việt Nam - Lào - Campuchia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; nhất trí phối hợp xây dựng COC thực chất.

Việt Nam - Anh đề cao Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển

Khánh Minh |

Anh tiếp tục sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các khuôn khổ đa phương, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.

Mỹ nói về việc Đức điều tàu chiến hiện diện ở Biển Đông

Khánh Minh |

Mỹ ca ngợi kế hoạch của Đức điều tàu chiến đến hiện diện ở Biển Đông, gọi đây là hành động "ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" ở khu vực.

Việt Nam nói về việc tàu chiến Mỹ lần đầu vào Biển Đông thời ông Biden

Thanh Hà |

Việt Nam nêu phản ứng trước việc hải quân Mỹ lần đầu tiên đưa tàu chiến vào Biển Đông dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Việt Nam-Lào-Campuchia nhất trí duy trì hòa bình ở Biển Đông

Khánh Minh |

Ba Thủ tướng Việt Nam - Lào - Campuchia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; nhất trí phối hợp xây dựng COC thực chất.

Việt Nam - Anh đề cao Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển

Khánh Minh |

Anh tiếp tục sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các khuôn khổ đa phương, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.

Mỹ nói về việc Đức điều tàu chiến hiện diện ở Biển Đông

Khánh Minh |

Mỹ ca ngợi kế hoạch của Đức điều tàu chiến đến hiện diện ở Biển Đông, gọi đây là hành động "ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" ở khu vực.

Việt Nam nói về việc tàu chiến Mỹ lần đầu vào Biển Đông thời ông Biden

Thanh Hà |

Việt Nam nêu phản ứng trước việc hải quân Mỹ lần đầu tiên đưa tàu chiến vào Biển Đông dưới thời Tổng thống Joe Biden.