Đập Tam Hiệp đối mặt đỉnh lũ lớn nhất kể từ khi xây dựng vào năm 2003, nhưng các chuyên gia cho rằng, bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Trung Quốc đã chuẩn bị tốt hơn để giảm thiểu tác động của bất kỳ thiên tai nào.
Đỉnh lũ chảy vào hồ chứa đập Tam Hiệp dự kiến lên tới 76.000 mét khối/giây vào 8h sáng 20.8 - lưu lượng lớn nhất trong vòng 17 năm.
Để đối đầu với đỉnh lũ, các đập ở thượng nguồn sông Dương Tử - bao gồm các đập Ô Đông Đức, Khê Lạc Độ và Hướng Gia Bá, đều thuộc quản lý của Tập đoàn Tam Hiệp - sẽ cùng phối hợp dưới "sự triển khai và vận hành công phu" để cùng giữ lại nước lũ, theo thông cáo tập đoàn Tam Hiệp gửi Thời báo Hoàn Cầu hôm 19.8.

Theo thông cáo, các con đập sẽ thực hiện đầy đủ chức năng phòng chống lũ lụt của một hồ chứa nước trong lưu vực và chúng được kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực phòng chống lũ lụt cho tỉnh Tứ Xuyên và thành phố Trùng Khánh, ở tây nam Trung Quốc, cũng như dự án Tam Hiệp.
Lưu lượng xả lũ của đập Tam Hiệp sẽ tăng từ 42.000 lên 46.000 mét khối/giây.
Các chuyên gia thuỷ lợi lưu ý, việc bố trí các con đập sẽ phân tán áp lực kiểm soát lũ lụt nhằm ngăn chặn đỉnh lũ siêu lớn gây ra thảm họa cho các thành phố ven sông.
Dự án Tam Hiệp thu hút rất nhiều sự chú ý, nhưng việc chuẩn bị cho bất kỳ đỉnh lũ nào sẽ đạt được thông qua sự phối hợp chặt chẽ của nhiều dự án hồ đập dọc theo sông Dương Tử cũng như các nhánh của nó - Gao Jianguo, một thành viên của Ủy ban quốc gia về giảm nhẹ thiên tai, nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 19.8

Nhiều phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng lũ lụt và hạn hán ở Trung Quốc là kết quả của sự phát triển kinh tế - điều mà các nhà phân tích cho là vô lý vì cho thấy “sự thiếu hiểu biết về các hiện tượng khí tượng, thiên tai và thiệt hại do thiên tai” - ông Gao cho hay.
Trung Quốc, với khí hậu gió mùa, luôn gặp khó khăn bởi lũ lụt và hạn hán. Một mô tả trong lịch sử Trung Quốc về sông Hoàng Hà, một con sông lớn thứ hai ở nước này, là “vỡ hai lần trong ba năm, thay đổi dòng chảy mỗi thế kỷ”.
Ông Gao cho rằng biến đổi khí hậu đã tạo ra một số điều kiện thời tiết khắc nghiệt và việc đưa tin trên các phương tiện truyền thông đã tạo ra ấn tượng về lũ lụt trở nên tồi tệ hơn năm này qua năm khác, lưu ý rằng Trung Quốc hiện đã giảm nhẹ được hậu quả thiên tai rất nhiều, bằng dự báo thời tiết chính xác hơn và ứng phó khẩn cấp hiệu quả.
“Giờ đây chúng tôi có thể dự đoán tốt hơn vị trí và thời điểm có mưa để sơ tán mọi người. Chiến lược cứu trợ thiên tai đã giảm thiểu thương vong” - ông Gao nói.
Trung Quốc đã trải qua mùa mưa bất thường trong năm 2020 với những đợt kéo dài và lượng mưa lớn hơn, chủ yếu ở miền nam Trung Quốc. Lượng mưa ở lưu vực sông Dương Tử và sông Hoài Hà chạm mức cao nhất kể từ năm 1961.

Theo số liệu từ Bộ Quản lý Khẩn cấp, Trung Quốc cũng đã chứng kiến mức giảm 55% số người chết và mất tích liên quan đến lũ lụt, và giảm 65% số vụ sập nhà so với năm năm trước.
Các nhà phân tích cho biết, các biện pháp nhanh chóng sau thảm họa, chẳng hạn như thoát lũ và trồng lại hoa màu, cũng giúp nông dân tránh bị mất thu nhập, chẳng hạn như tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc.
Hồ nước ngọt Bà Dương ở Giang Tây đã trải qua lũ lụt nghiêm trọng vào tháng 7, nhưng vụ lúa muộn đang được trồng để bù đắp thiệt hại.